Năm 2024, kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao. 

Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, Huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, Dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%. Những thành tựu đó là kết quả nỗ lực của toàn thể cán bộ, người lao động Agribank trên khắp mọi miền Tổ quốc hướng đến mục tiêu vì sự phát triển phồn thịnh của khách hàng và cộng đồng.

Agribank 1.jpg
Agribank không ngừng nỗ lực, hướng đến mục tiêu vì sự phát triển phồn thịnh của khách hàng và cộng đồng. Ảnh: Agribank

Mở rộng tài chính vi mô 

Là ngân hàng thương mại nhà nước có mạng lưới phủ rộng toàn quốc, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, Agribank dành hơn 60% nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn cùng với hơn 200 sản phẩm tài chính hiện đại, tiện ích và an toàn; hơn 64.000 tổ vay vốn hoạt động hiệu quả; 7 chính sách tín dụng ưu đãi và 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, hàng triệu hộ nông dân, hộ nghèo và nhóm yếu thế có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, phục vụ sản xuất và đời sống.

Với đặc thù của một nước có nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò “trụ đỡ”, tỷ trọng lao động, dân cư khu vực nông thôn chiếm đa số, việc tiếp cận tài chính vi mô với các dịch vụ tài chính an toàn, hợp pháp góp phần tạo sinh kế, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh, từng bước phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. 

Với quyết tâm cao, không để địa bàn xóm thôn, bản làng nào bị “trắng” tín dụng, không để hộ gia đình nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn, có địa bàn mỗi cán bộ tín dụng Agribank phụ trách đến hàng ngàn khách hàng, trong đó đa phần là món vay nhỏ lẻ.

Bằng các chương trình tài chính vi mô phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là người dân và hộ sản xuất kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được áp dụng lãi suất ưu đãi, nhiều cá nhân và các mô hình kinh tế tập thể đã được tiếp cận nguồn vốn của Agribank, giúp phát triển sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Agribank  2.jpg
 Agribank quyết tâm không để địa bàn xóm thôn, bản làng nào bị “trắng” tín dụng, không để hộ gia đình nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn. Ảnh: Agribank

Tiên phong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện 

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu bao trùm: mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế và cư dân nông thôn, cần được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức một cách thuận tiện, với chi phí hợp lý và an toàn. Trong chiến lược này, Agribank không chỉ là một trong những đơn vị thực hiện, mà còn đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt hệ thống ngân hàng thương mại trong việc phổ cập tài chính đến từng thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa.

Thúc đẩy phổ cập dịch vụ tài chính đến mọi tầng lớp: Với hơn 2.300 điểm giao dịch, trong đó phần lớn đặt tại vùng nông thôn, miền núi và hải đảo, Agribank là ngân hàng có mạng lưới rộng nhất trong hệ thống. 

Việc duy trì mạng lưới giao dịch rộng khắp cũng là một trong những nỗ lực của Agribank nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được sử dụng các dịch vụ ngân hàng an toàn và hiệu quả. Điều này cho phép tiếp cận tài chính được mở rộng đến tận các cộng đồng khó tiếp cận, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Hỗ trợ nhóm yếu thế tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính chính thức: Agribank triển khai nhiều sản phẩm tín dụng không yêu cầu tài sản đảm bảo, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh của người nghèo, phụ nữ, nông dân và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. 

Bên cạnh đó, Agribank còn xây dựng những gói tín dụng phù hợp, thiết thực dành cho người lao động, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân… để nâng cao nhận thức tài chính trong cộng đồng, giúp người dân tránh cạm bẫy lừa đảo tài chính và tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Phối hợp hiệu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia: Ngân hàng tích cực tham gia các chương trình như Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, tài chính toàn diện được tích hợp vào các chính sách phát triển lớn của quốc gia, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Chuyển đổi số - đòn bẩy mở rộng tài chính toàn diện: Với định hướng phát triển ngân hàng số, ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ ngân hàng từ xa, không phụ thuộc vào vị trí địa lý, Agribank đang từng bước xóa bỏ rào cản tiếp cận dịch vụ tài chính cho hàng chục triệu người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Agribank  3.jpg
Agribank đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành một ngân hàng số toàn diện, hiện đại, an toàn và thân thiện với mọi đối tượng khách hàng. Ảnh: Agribank

Chiến lược số hóa của Agribank đặt ra mục tiêu không chỉ phục vụ khách hàng thành thị mà còn mở rộng dịch vụ tài chính số đến người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi vốn bị hạn chế về tiếp cận hạ tầng ngân hàng truyền thống. Ngân hàng đang vận hành xe ngân hàng lưu động với thiết bị số hóa giúp người dân giao dịch ở các điểm không có chi nhánh. Ngân hàng cũng sử dụng cộng tác viên tại xã, phát triển nền tảng số để kết nối giữa người dân và Agribank.

Agribank đang chuyển mình mạnh mẽ từ một ngân hàng truyền thống với thế mạnh ở nông thôn, trở thành một ngân hàng số toàn diện, hiện đại, an toàn và thân thiện với mọi đối tượng khách hàng, đóng vai trò then chốt trong tiến trình số hóa nền kinh tế và tài chính toàn diện quốc gia.

Ngọc Minh