Nhiều du học sinh Việt Nam tại Australia làm thêm trong các nhà hàng, khách sạn bị đối xử tệ, bóc lột sức lao động và trả lương thấp hơn so với mức lương tối thiểu.

Sau khi tin tức về hệ thống bán lẻ 7-Eleven ở Australia bị cáo buộc trả thiếu hàng nghìn AUD tiền lương cho nhân viên, trong đó có nhiều sinh viên quốc tế, người dân địa phương cảm thấy vô cùng bất ngờ. Tuy nhiên, các du học sinh không quá ngạc nhiên với việc bị trả lương thấp.

Tình trạng trả lương dưới mức tối thiểu không chỉ tồn trong những công ty đa quốc gia. Story Hunters dẫn lời sinh viên làm thêm trong khách sạn, cửa hàng bán lẻ cho biết, đó là một phần cuộc sống phải chấp nhận ở Australia.

{keywords}

Nhiều sinh viên phải làm thêm quá giờ quy định để đủ tiền trang trải cuộc sống. Ảnh minh họa: Oecc.vn

Cựu sinh viên quốc tế Kenny đến từ Trung Quốc cho biết, anh làm việc tại một nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng và được trả 8 AUD/giờ (trong khi mức lương tối thiểu được quy định là 16,7 AUD/giờ.)

"Phần lớn người Australia sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi nghe điều này bởi số tiền công đó quá thấp", Kenny nói.

Sinh viên quốc tế hợp pháp ở Australia được phép làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần trong suốt học kỳ. Nhưng vì bị trả lương thấp, không ít bạn trẻ phải làm việc nhiều giờ hơn để đủ sống.

"Chúng tôi biết điều đó là phạm pháp. Nếu bị chính quyền phát hiện, du học sinh sẽ bị trục xuất. Chúng tôi cũng biết người sử dụng lao động đang làm việc trái pháp luật nhưng không thể thắc mắc,  bởi có quá nhiều sinh viên đang cần việc làm", cựu sinh viên quốc tế chia sẻ.

Kenny cho biết, mức lương 8-12 AUD/giờ khá phổ biến đối với sinh viên làm thêm, đặc biệt là những bạn trẻ đến từ các nước châu Á. Trong đó, sinh viên Việt Nam rất dễ bị bóc lột khi làm thêm ở Australia.

Sau khi tham gia vào hai nhóm Facebook có 41.000 du học sinh Việt Nam, phóng viên của Story Hunters đặt câu hỏi: "Công việc làm thêm của bạn khi du học tại Australia như thế nào?".

Trong 3 ngày, khoảng 60 sinh viên đã bình luận, gửi câu trả lời qua email hoặc nhắn tin câu chuyện của họ. Hơn 500 người tham gia cuộc thăm dò và 2/3 trong số đó thú nhận họ được trả công thấp hơn mức lương tối thiểu.

Bốn du học sinh Việt có nickname là Chi, Daniel, Vincent và Darren đã đồng ý chia sẻ câu chuyện của họ.

Sinh viên Việt bị bóc lột sức lao động

Đến Australia là trải nghiệm khó khăn và cô độc với một sinh viên quốc tế. Đối với nhiều du học sinh Việt Nam, đó là lần đầu tiên sống xa nhà và tiếng Anh ở đây được phát âm khá khác với tiếng Anh - Mỹ mà họ học ở trường.

"Lần đầu đặt chân tới đây, tôi thậm chí không thể gọi món ở KFC, bởi họ không hiểu tôi nói gì và tôi cũng không nghe được họ nói", Darren nhớ lại.

Sự việc này khiến Darren mất tự tin. Để kiếm được việc làm, anh tìm đến cộng đồng người Việt và nhận phục vụ bàn với mức lương 12 AUD/giờ.

{keywords}

Nhiều du học sinh Việt ở Australia làm thêm bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu. Ảnh minh họa: Kangdongsee.com

"Tôi nghĩ rằng, khi mọi người nói tiếng Việt với nhau, họ sẽ đối xử tốt hơn. Nhưng khi thấy tôi nói tiếng Việt, họ liền lợi dụng vì nghĩ rằng tôi không thể nói chuyện bằng tiếng Anh, không có khả năng giao tiếp với người khác và đòi hỏi quyền lợi cho bản thân", Darren kể.

Vincent cho biết, ông chủ cho rằng một sinh viên như anh sẽ chấp nhận tiền công thấp bởi mức lương trung bình ở quê nhà còn thấp hơn nhiều.

Trong khi các du học sinh này bày tỏ sự thất vọng vì bị bóc lột và trả lương thấp, trong cùng một nhóm trên Facebook, người sử dụng lao động vẫn đăng tin tuyển nhân viên với mức lương ít nhất là 10 AUD.

"Hầu hết sinh viên Việt đều làm việc cho những ông chủ người Việt và Australia. Rất hiếm nơi trả cho chúng tôi 12 AUD/giờ. Nếu không có kinh nghiệm, hầu hết sinh viên chỉ được nhận 8-10 AUD. Những ngày đầu làm việc, khi trở về nhà, tôi không muốn nói chuyện với bất kỳ ai, chỉ muốn nằm trên giường và khóc. Mọi thứ không giống như tôi tưởng tượng. Nó thật sự khủng khiếp", Chi nói.

Ta đi làm ở Tây

Một viên chức nhà nước Việt Nam với công việc tốt, có vị trí xã hội, nhưng, không len chân nổi vào xã hội “Tây” vì rào cản ngôn ngữ, IT thấp và chuyên môn kém cỏi của mình.

Lúc đó, Chi đang làm việc tại một tiệm bánh với mức lương 8 AUD/giờ. Đó là công việc đầu tiên kể từ khi cô tới Australia và tính tới nay đã được 4 tháng. Cách đối xử của chủ tiệm tại đây khiến cô thực sự sốc.

Chi cho biết, cô phải làm việc theo ca kéo dài 12 tiếng mà không nghỉ ăn trưa và thường xuyên bị quản lý ngược đãi.

"Ở Việt Nam, cha mẹ tôi sở hữu một cửa hàng thời trang. Họ cũng thuê người làm nhưng chưa bao giờ tôi thấy cha mẹ la mắng nhân viên. Tôi chưa từng chứng kiến những điều tồi tệ nào giống như ở nơi đây".

"Tôi không khẳng định tất cả ông chủ người Việt ở Australia đều như thế nhưng trường hợp của tôi không phải duy nhất. Nhiều du học sinh Việt Nam từng trải qua hoàn cảnh tương tự", Chi bức xúc.

Theo Daniel, công việc đầu tiên của anh ở đất nước chuột túi là phục vụ tại nhà hàng Thái với tiền công 9 AUD/giờ.

"Đó là công việc đầu tiên. Những người lao động khác cũng được trả 9 AUD nên tôi nghĩ điều đó là bình thường", chàng sinh viên nói.

"Nếu tôi không làm, người khác sẽ làm"

Vụ việc chuỗi bán lẻ 7-Eleven là một trong nhiều trường hợp cho thấy các công ty lớn bóc lột nhân viên. Sau khi hầu tòa, 7-Eleven buộc phải hoàn trả hàng nghìn AUD tiền lương và bị điều tra các hành vi khác.

Tuy nhiên, đối với những du học sinh làm thêm ở các doanh nghiệp nhỏ khắp đất nước, giới chức rất khó kiểm soát.

Theo Natalie James, kiểm soát viên tại cơ quan Kiểm soát về Công bằng Lao động (FWO), cơ quan này nhận được hàng trăm khiếu nại của sinh viên quốc tế mỗi năm.

"Chúng tôi không thể kiểm soát tất cả bởi có tới 430.000 sinh viên quốc tế trong nước", bà James nói.

Cũng theo vị này, 4 yếu tố chính khiến các du học sinh dễ bị bóc lột là sự non trẻ, rào cản ngôn ngữ, lòng trung thành và mối lo sợ mất thị thực. Những yếu tố này một lần nữa lại được thể hiện trong cuộc trao đổi của Story Hunters với các sinh viên. Các bạn trẻ cho biết, họ bị coi thường, bị mắng mỏ và chỉ biết khóc sau một ngày dài làm việc vất vả. Hầu hết không có ý định trình báo cơ quan chức năng.

"Nếu tôi báo cáo sự việc với FWO, tôi biết họ sẽ giúp, nhưng nhà hàng nơi làm việc sẽ bị phạt. Ông chủ bị ảnh hưởng, nhà hàng đóng cửa và người lao động như chúng tôi sẽ mất việc. Như vậy, cả cộng đồng người Việt đều bị ảnh hưởng, không chỉ riêng tôi", Vincent nói.

"Nếu Chính phủ buộc các nhà tuyển dụng tăng lương lên mức tối thiểu, họ sẽ sa thải chúng tôi, bởi không đủ khả năng chi trả. Mặt khác, nếu tôi không đồng ý, người khác sẽ làm", Chi nói thêm.

Giải pháp

Một số sinh viên đề nghị chính phủ hạ mức lương tối thiểu đối với du học sinh. Tuy nhiên, ý kiến này gây nhiều tranh cãi.

"Nếu được phép làm việc ở Australia, chúng tôi phải được đối xử công bằng", Chi nói.

Cũng có người cho rằng FWO nên tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các cơ sở kinh doanh thường xuyên hơn và thâm nhập các doanh nghiệp nhỏ để giám sát việc thuê lao động là sinh viên quốc tế. Mặc dù vậy, bà Natalie James chỉ ra những bất cập trong đề nghị này.

"Chúng tôi cần mọi người báo cáo sự việc. Nếu mọi người không nói, rất khó để chúng tôi đòi lại được khoản lương mà họ bị chủ kinh doanh ăn bớt. Chúng tôi cần nói chuyện trực tiếp với mọi người", bà James chia sẻ.

Vincent đã kêu gọi những người lãnh đạo cộng đồng Việt - Australia giải quyết tình hình và nêu tên những chủ doanh nghiệp có hành vi sai trái.

Trong khi chờ giới chức vào cuộc, một số du học sinh lập nhóm trên Facebook nhằm tố cáo các chủ sở hữu lao động có hành vi sai phạm.

"Khi du học sinh mới đặt chân đến Australia, họ không biết và có thể tới xin việc ở những cơ sở đó. Vì vậy chúng tôi muốn cảnh báo để họ tránh xa các nhà hàng mà chủ thường đối xử tệ với nhân viên", Chi nói.

(Theo Tống Hoa/Zing)