Trả lời Reuters hôm 12/4, CEO Intel Pat Gelsinger cho biết, công ty đang đàm phán với các hãng thiết kế chip cho ô tô về việc làm những con chip này tại nhà máy của mình. Chip có thể được Intel sản xuất trong vòng 6 tới 9 tháng, thay vì phải xây nhà máy mới mất tới 3-4 năm.
Nguồn cung tăng sẽ là hỗ trợ lớn đối với các hãng xe đang đối mặt với cảnh gián đoạn sản xuất, đóng cửa nhà máy, cạn kiệt hàng tồn kho do thiếu chip. Intel sẽ tìm cách hỗ trợ khẩn cấp với những hãng đang chịu thiệt hại, bao gồm Ford Motors và General Motors. Ngoài ra, Intel cũng đã bắt đầu kết nối với một số nhà cung ứng chip lớn.
Bình luận được ông Gelsinger đưa ra sau khi Nhà Trắng tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nhà sản xuất bán dẫn và khách hàng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về khủng hoảng chip cũng như nhu cầu vực dậy chuỗi cung ứng bán dẫn trong nước. Thành phần tham dự có CEO Dell Michael Dell, CEO Google Sundar Pichai, CEO General Motors Mary Barra, CEO Micron Sanjay Mehrotra…
Xuất hiện tại cuộc họp, Tổng thống Biden cho biết, lưỡng đảng ủng hộ củng cố sản xuất bán dẫn nội địa. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lớn hơn của ông. Hiện nay, những vi xử lý hiện đại nhất đều do nước ngoài phụ trách, phần lớn là doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong khi đó, quan chức Mỹ ngày một lo ngại trước sức ảnh hưởng, khi tập trung sản xuất linh kiện quan trọng như vậy tại khu vực gần với Trung Quốc. Lo ngại càng lên cao hơn trong bối cảnh khan hiếm chip hiện nay.
Theo ông Biden, “Trung Quốc và phần còn lại của thế giới không chờ đợi. Vì vậy, không có lý do gì để người Mỹ phải đợi. Chúng ta sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như bán dẫn, pin. Đó là thứ họ đang làm, chúng ta cũng phải như vậy”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “xây dựng chuỗi cung ứng nguồn Mỹ để chúng ta không bao giờ phải phụ thuộc vào một nước nào nữa” đối với các ngành thiết yếu như bán dẫn.
Vai trò của Intel
Intel đã cạnh tranh để có một suất hỗ trợ quan chức Mỹ từ mùa xuân năm ngoái. Sau những thay đổi chiến lược của tân CEO Gelsinger, công ty có thể hoàn toàn phù hợp để làm điều này: Tháng trước, Intel thông báo sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy chip mới tại Mỹ. Công ty còn dự định ra mắt bộ phận mới mang tên Intel Foundry Services để gia công chip cho các hãng khác với mục tiêu giành giật khách hàng với các đối thủ châu Á như Samsung, TSMC.
Sau cuộc họp hôm 12/4, ông Gelsinger khẳng định lưỡng đảng và ngành công nghiệp đã nhận ra sản xuất bán dẫn là một bộ phận quan trọng của hạ tầng, phải có mặt trong Kế hoạch việc làm Mỹ (American Jobs Plan).
Ngoài thúc đẩy sản xuất bán dẫn trong nước, Intel Foundry Services kỳ vọng tạo ra doanh thu mới cho công ty khi mà các mảng kinh doanh khác đang chịu sức ép lớn từ đối thủ. Nvidia mới đây tuyên bố ra mắt CPU cho máy chủ, cạnh tranh trực tiếp với Intel trên thị trường trung tâm dữ liệu béo bở. Cổ phiếu Intel giảm hơn 4% sau tin này, trong khi cổ phiếu Nvidia lại tăng gần 6%.
Trước đây, Nvidia tập trung vào chip xử lý đồ họa (GPU) và chip xử lý dữ liệu (DPU), dùng trong trung tâm dữ liệu bên cạnh CPU x86 của Intel, AMD và hãng khác. Nvidia cam kết các hệ thống sử dụng CPU mới – Grace – kết hợp với GPU của hãng sẽ nhanh gấp 10 lần các hệ thống dựa trên CPU x86. Chip mới dựa trên công nghệ từ Arm, công nghệ đang được Apple sử dụng, đe dọa sự thống trị của chip Intel x86 trong máy tính.
Wayne Lam, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của hãng nghiên cứu CCS Insight, cho rằng, Nvidia đang hình thành cuộc chiến x86 – ARM mới nhưng trên mặt trận điện toán hiệu năng cao.
Du Lam (Theo CNN)
Nước, bán dẫn và nông dân
Hạn hán lịch sử, Đài Loan buộc phải đóng cửa một phần hệ thống tưới tiêu nông nghiệp để dành nguồn nước quý giá cho các nhà máy bán dẫn.