Trước đó, thông tin từ Ban quản trị các tuyến cáp biển quốc tế AAG và APG tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã cho hay, kể từ 0h ngày 6/1 đến 22h ngày 7/1/2018, hệ thống cáp quang biển quốc tế APG sẽ tiến hành di chuyển cáp tại Singapore phục vụ việc mở rộng sân bay Changi của Chính phủ Singapore. Được biết, dịp này sự cố xảy ra ngày 23/12/2017 trên cáp nhánh hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp APG cũng sẽ được xử lý. Với tuyến cáp quang biển AAG, đối tác quốc tế đã lên kế hoạch cấu hình lại nguồn trong thời gian từ 6/1/2018 và dự kiến hoàn thành vào ngày 9/1/2018.
Đây là lần đầu tiên trong năm mới 2018, hai tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và APG bị gián đoạn dịch vụ. Theo thống kê, trong năm ngoái, tuyến cáp AAG đã 5 lần gặp sự cố và số lần gặp sự cố, ảnh hưởng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế của tuyến cáp APG là 2.
Trong trao đổi với ICTnews vào chiều qua, ngày 5/1/2018, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), ông Vũ Thế Bình nhận định: các ISP Việt Nam đã quen ứng phó với việc một hoặc hai tuyến cáp biển cùng dừng hoạt động trong một thời gian nhiều tuần. Do đó, việc tạm dừng có kế hoạch hai tuyến cáp AAG và APG cuối tuần này có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam nói chung.
“Còn đối với mỗi ISP thì có sự ảnh hưởng khác nhau. Theo thông tin chúng tôi có được, ít nhất hai trong số các ISP lớn sẽ có sự ảnh hưởng nhất định, vì dung lượng qua AAG vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu quốc tế của họ. Về chất lượng dịch vụ, thông thường để ứng cứu đủ dung lượng ban đầu, các ISP cần vài ngày để thực hiện. Do đó, rất có thể một số nhóm khách hàng ít ưu tiên hơn sẽ bị ảnh hưởng về chất lượng dịch vụ. Tùy theo chính sách của từng ISP mà nhóm nào được coi là ưu tiên. Các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp và 3G/4G thường được coi là các nhóm ưu tiên hơn”, ông Bình nói.
Tổng Thư ký VIA Vũ Thế Bình cũng cho rằng, trong mấy ngày tới, chủ yếu các ISP tại Việt Nam sẽ phải dồn lưu lượng qua hướng đất liền. Hướng cáp quang biển Liên Á (IA) và SMW3 cũng có nhưng độ khả dụng không còn nhiều. Thêm nữa, các ISP đều có độ dư dung lượng nhất định.
Cập nhật thông tin từ các ISP tại Việt Nam, tính đến 22h30 hôm qua, ngày 5/1/2018, phương án để đảm bảo dịch vụ cung cấp cho các khách hàng đã được các nhà mạng triển khai.
Cụ thể, CMC Telecom đã chuyển lưu lượng sang tuyến cáp đất liền để bù đắp dung lượng kết nối đi quốc tế bị ảnh hưởng do các tuyến cáp biển APG và AAG gián đoạn liên lạc trên kênh truyền trong những ngày tới.
Với NetNam, do dung lượng thực tế sử dụng của NetNam mới chiếm khoảng 60% dung lượng khả dụng. Vì vậy, với sự tạm ngừng hoạt động của 2 tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và APG vào cuối tuần này, NetNam không phải triển khai biện pháp ứng cứu và chuẩn bị.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện NetNam, ISP này cũng có các ảnh hưởng gián tiếp với nhóm khách hàng có 2 đường kết nối. “Khi đường kết nối với một ISP khác có vấn đề, thì khách hàng sẽ đẩy lưu lượng qua NetNam nhiều hơn, khi đó sẽ làm tăng lưu lượng chung của NetNam. Dù vậy theo tính toán của chúng tôi, tổng dung lượng khả dụng của NetNam vẫn có thể đảm bảo được”, đại diện NetNam chia sẻ.
Theo thông tin từ nhà mạng Viettel, trong thời gian 2 tuyến cáp biển quốc tế AAG, APG được tiến hành di dời và cấu hình hệ thống, Viettel đã chủ động định tuyến lưu lượng quốc tế trên các hướng cáp biển khác và hướng đất liền nhằm đảm bảo chất lượng kết nối không chỉ cho khách hàng Viettel mà cho các các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế trên các tuyến cáp biển này.
“Hiện tại, dung lượng còn lại của Viettel vẫn đủ để đảm bảo dịch vụ, kể cả vào giờ cao điểm nên khách hàng Viettel sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố của 2 tuyến cáp biển AAG, APG nói trên”, Viettel cho hay.
Còn với VNPT, vào sáng ngày 5/1/2018, nhà mạng này cho biết đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác và tuyến cáp quốc tế chạy trên đất liền đang hoạt động ổn định để đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho khách hàng.
Thẳng thắn thừa nhận khó tránh khỏi tình trạng ảnh chất lượng kết nối Internet quốc tế của một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng trong 2 ngày cuối tuần - ngày 6, 7/1/2018, VNPT bày tỏ mong muốn nhận được sự thông cảm của các khách hàng và cho biết tập đoàn đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác và sẽ cập nhật kịp thời thông tin tới khách hàng khi có tình hình mới.
Hai tuyến cáp quang biển AAG và APG hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng dung lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế khá lớn. Trong đó, cáp AAG được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009 có tổng chiều dài 20.191 km và tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây. Các điểm cập bờ của cáp AAG gồm: Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Currimao (Philippines), South Lantau (HongKong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)…Tại Việt Nam, AAG cập bờ ở Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Còn APG là tuyến cáp quang biển mới được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp kết nối mạng Internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh và ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển AAG. Cáp APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ giữa tháng 12/2016, sau 4 năm đầu tư. Dự án đầu tư hệ thống cáp quang biển APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)… và có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Có chiều dài 10.400 km và khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, cáp APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, kết nối các điểm tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, HongKong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.