Theo bạn, bản thân còn thiếu sót gì để trở thành Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022? Áp lực thi quốc tế có thường trực trong bạn?
So với mục tiêu ban đầu, kết quả Á hậu 2 và được dự thi Hoa hậu Trái đất vượt ngoài mong đợi của tôi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tôi không cố gắng. Tôi thi với tâm thế rất “hưởng thụ” và “thăng hoa” trong các phần thi. Đó là tất cả sự cố gắng nên tôi không cảm thấy tiếc nuối hay thiếu sót.
Không riêng sắc đẹp, ở bất cứ lĩnh vực nào, ai đại diện quốc gia đi thi đều có áp lực, trước hết là từ chính bản thân. Áp lực lớn nhất với tôi là kỹ năng giao tiếp, bởi tôi quá rụt rè nên khó có thể hoà đồng. Điều này cần cải thiện rất nhiều.
Một số khán giả chỉ trích bạn về dải băng các bạn viết không đúng từ Khmer trong đêm chung kết? Thu Thảo có phiền lòng về điều này?
Nếu câu hỏi về 2 chữ Khmer và Khơ-me thì tôi nghĩ sai lệch này là do phiên âm và cách đọc. Về cơ bản, tôi thấy vẫn là dân tộc của tôi, có lẽ cách phiên âm cho mọi người dễ đọc hơn chăng?
Cuộc sống của một cô gái Khmer trước và sau đăng quang thay đổi như thế nào? Sự dồn dập quan tâm của báo chí, dư luận có làm bạn e sợ?
Thay đổi là điều chắc chắn, tôi không còn là cô gái dân tộc Khmer không ai biết, mà đã khoác lên mình danh hiệu có sự mệnh và trách nhiệm. Sự quan tâm của báo chí dư luận như có làm tôi hơi ngợp, nhưng chưa đến mức sợ.
Điều làm tôi sợ là hành trình phía trước có quá nhiều trách nhiệm, nếu như có lúc nào đó tôi không toàn tâm toàn lực, có thể khó hoàn thành hết được. Trước mỗi hành động, tôi đều cẩn trọng, và nếu có điều gì chưa thực sự am hiểu, tôi sẽ xin lỗi trước khi phát biểu hay hành động.
Chia sẻ cảm nhận của bạn về Hoa hậu Thuý Hằng và việc bạn được chọn thi quốc tế thay vì tân hoa hậu?
Tôi cảm thấy tự hào đan xen với áp lực. Tôi biết chắc hành trình sắp tới sẽ rất khắc nghiệt trong quá trình rèn luyện, trau dồi. Về chị Hằng, tôi nghĩ chị hoàn toàn xứng đáng với vương miện của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022.
Sau sự việc ồn ào của Thuý Hằng bạn có bài học nào cho bản thân?
Như những lần trả lời báo giới trước đây khi được hỏi về câu này, tôi tin chị Hằng và luôn ủng hộ chị với câu nói “cây ngay không sợ chết đứng”. Về bài học cho bản thân, tôi nghĩ ai cũng sẽ có những bài học cho riêng mình mà không cần phải nhìn vào người khác để rút ra kinh nghiệm. Chúng ta đang sống những cuộc đời khác nhau, trải nghiệm khác nhau nên mỗi người đều tự rút ra những bài học là điều tốt nhất.
Nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức gần đây khiến khán giả cho rằng đang bị "bội thực", hình ảnh vương miện bị nhạt nhoà, bạn nghĩ gì về điều này?
Tôi rất thích câu trả lời của chị Hằng trong một bài trả lời phỏng vấn: “Chuyện nhiều hay ít các cuộc thi hoa hậu không quan trọng bằng việc những hoa hậu làm được cho xã hội nhiều hay ít”.
Nếu như nhiều hoa hậu đóng góp được nhiều việc tốt cho xã hội, truyền cảm hứng, lan toả giá trị nhân văn, đó là điều đáng quý trọng nhất. Và mỗi hoa hậu đều làm tốt điều đó, khán giả sẽ có cái nhìn khác về những người đẹp và mục đích cũng như giá trị mỗi cuộc thi hoa hậu mang lại.
Bạn có thể chia sẻ đôi chút về gia đình? Gia đình ảnh hưởng đến suy nghĩ và cuộc sống của bạn thế nào?
Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông sinh sống tại vùng biển duyên hải tỉnh Trà Vinh. Gia đình có hai anh trai, tôi là con út. Gia đình tuy khó khăn nhưng bố mẹ suy nghĩ rất tích cực về giáo dục, nên anh em tôi đều được học đại học. Hai anh tôi đã ra trường có việc làm ổn định ở quê nhà.
Bạn có kỷ niệm nào đáng nhớ khi còn nhỏ đã ảnh hưởng đến bạn tới tận bây giờ?
Ngày tôi còn nhỏ, do đường ở quê còn chưa phát triển nên tôi đi bộ 5-6 km để tới trường. Với một cô bé tiểu học, quãng đường ấy quá xa và cực nhọc. Qua năm tháng, tôi thấm thía sự khó khăn của gia đình, khiến tôi từng suy nghĩ bỏ dở việc học. Cha mẹ tôi nuôi trồng thủy sản, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lo cho các con.
Khi học lớp 9, tôi tự hỏi liệu có phải mình đang là gánh nặng của cha mẹ không. Tôi xin nghỉ học để đi làm, nhưng cha mẹ không đồng ý. Cha mẹ nói: “Cha mẹ đã hy sinh đời mình cho con đi học, sao con lại nghĩ đến chuyện từ bỏ?”. Cha mẹ động viên rất nhiều, tôi nhận ra không được suy nghĩ tiêu cực, phải cố gắng học hành đàng hoàng để giúp gia đình nhiều hơn.
Cha mẹ tôi xuất thân gia cảnh nghèo khó, không được đi học nên muốn bù đắp những gì thiếu thốn cho chúng tôi. Hai anh đã tốt nghiệp đại học, giờ về phụ giúp cha mẹ, còn tôi cũng đang học ngôi trường mình yêu thích. Tôi tự hào vì mình đã không từ bỏ con đường giáo dục.
Một cô gái Khmer cao tới 1m77 có phải là chủ đề nhiều người bàn tán với Thảo khi còn đi học? Bạn có bao giờ ngại ngần vì mình quá cao so với các bạn cùng trang lứa?
Bàn tán thì có nhưng đa phần là: “Ủa sao cao vậy?”, hoặc “Cao vậy sao lấy được chồng?”. Tôi cũng không nghĩ nhiều vì thân hình là cha mẹ cho nên tôi chấp nhận mọi thứ, nghĩ đơn giản chỉ là chiều cao “quá khổ” so với bạn bè đồng trang lứa một chút, bù lại tôi cũng dễ nhìn nên hoàn toàn hài lòng, không có vấn đề gì quá lớn.
Thảo và gia đình đầu tư cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam ra sao?
Tôi chỉ đầu tư một bộ trang phục truyền thống và một bộ quần jeans áo thun bởi vì đến lúc vào đến chung khảo hay chung kết, ban tổ chức lo từ make-up, quần áo, trang phục sinh hoạt, thậm chí bông tai, ăn uống hằng ngày.
Nhiều người cho rằng thi hoa hậu có thể đổi đời, bạn nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ chữ “đổi đời” có nhiều cách để tiếp cận. Tôi nghĩ đổi đời khi có danh hiệu là “đổi” sang sống một cuộc “đời” mà ở đó có nhiều cơ hội để làm những điều mình mong muốn, ước mơ và nhận được sự ủng hộ của số đông. Đó là những điều tốt và có ích cho xã hội.
Bạn có thể chia sẻ quan điểm về tình yêu? Bạn đã có bạn trai chưa? Hình mẫu lý tưởng của bạn? Nếu bạn trai là đại gia, bạn có ngại vấn đề công khai?
Quan điểm của tôi về tình yêu rất đơn giản: yêu là yêu thôi. Gặp một người thấy xốn xang, rung động, muốn gần gũi tiếp xúc nhiều và luôn nhung nhớ, với tôi đó là tình yêu.
Tôi chưa có bạn trai, cũng không có hình mẫu. Cuộc đời là những ẩn số, nếu tự đặt những khuôn mẫu cố định để tìm ẩn số sẽ rất khó. Thay vào đó cứ đi, cứ gặp, cứ tìm hiểu, chẳng phải mình sẽ có nhiều “hình mẫu” hơn sao? Nhiều bao giờ cũng thú vi hơn một đúng không?
Minh Ngọc