Nghiên cứu này sau đó đã được đăng trên Molecules and Cells – một trong những tạp chí về sinh học phân tử và tế bào nằm trong danh mục tạp chí khoa học Q1 vào giữa tháng 9 vừa qua.
Hai tháng chạy đua với thời gian
Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Cần Thơ vào năm 2012, Nguyễn Phước Lập từng có 2 năm công tác trong ngành y sinh tại TP.HCM. Tuy nhiên, quãng thời gian đi làm khiến anh nhận thấy, những kiến thức ở bậc đại học còn quá ít ỏi so với những gì công việc yêu cầu. Vì thế, anh quyết tâm phải tìm kiếm cơ hội để đi du học.
Thời điểm ấy, với sự quyết tâm của mình, Lập tìm được học bổng theo học bậc thạc sĩ ngành Y sinh tại Đại học Hallym (Hàn Quốc) trong vòng 2 năm.
“Quả thực, Hàn Quốc đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong quá trình làm việc và nghiên cứu”, Lập nói. Cũng vì lý do đó, anh quyết định ở lại Hàn Quốc làm nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Jeonbuk trong khoảng 3 năm trước khi tiếp tục tìm kiếm học bổng theo đuổi lên bậc tiến sĩ.
Nguyễn Phước Lập trong ngày tốt nghiệp thạc sĩ
Trong vòng 5 năm này, Nguyễn Phước Lập vừa tập trung trau dồi kiến thức và kỹ thuật nghiên cứu, anh đồng thời còn xuất bản 8 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học ISI-Q1, trong đó có 3 bài là tác giả đứng đầu và 1 bài đồng tác giả đứng đầu.
Những hướng nghiên cứu của anh tập trung vào lĩnh vực virus học, hẹp hơn là virus gây bệnh Viêm gan C.
Đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu tháng 8/2020, GS. Soon Bong Hwang, giáo sư hướng dẫn, đồng thời là người phụ trách Phòng thí nghiệm về các bệnh từ virus RNA, đã quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu về SARS-CoV-2. Giáo sư ngỏ lời muốn Lập cùng tham gia vào dự án mới này của ông.
Đây cũng là lúc anh biết mình nhận được học bổng tiến sĩ tại Đại học Copenhagen của Đan Mạch và chỉ còn 2 tháng nữa là sẽ lên đường.
“Tuy nhiên, tôi không mất nhiều thời gian để đồng ý vì biết đó là cơ hội của mình. Tôi quyết định tận dụng hết quãng thời gian ít ỏi này để chạy đua cùng dự án”.
Theo anh Lập, về cơ bản, virus gây Viêm gan C và virus gây Covid-19 có sự tương quan với nhau về vật liệu di truyền. Do đó, rất có thể, những thuốc đã được chấp nhận để điều trị virus gây Viêm gan C vẫn có khả năng áp dụng để điều trị Covid-19. Đó là những suy nghĩ ban đầu của nhóm.
Từ đó, nhóm bắt đầu sử dụng những loại thuốc đã biết để kiểm nghiệm trên virus SARS-CoV-2. Nhiệm vụ của Lập là tạo ra các hạt pseudoparticles giả lập lại cấu trúc của virus SARS-CoV-2, đồng thời thử xem những loại thuốc ấy có ức chế được sự sinh sôi của SARS-CoV-2 hay không. Từ những bước đệm này, nhóm sẽ thử nghiệm trên virus thật tại phòng an toàn sinh học cấp 3.
Nguyễn Phước Lập đang sử dụng hệ kính hiển vi đồng tiêu confocal tại Khoa Khoa học sức khoẻ và Y tế- Đại học Copenhagen để chụp ảnh tế bào.
Cuối cùng, sau 8 tháng, nhóm nghiên cứu có sự tham gia của anh đã tìm ra thuốc Asunaprevir – một loại thuốc kháng virus Viêm gan C – có thể ngăn chặn đáng kể sự sinh sôi của virus SARS-CoV-2.
Kết quả nghiên cứu này đã được nhóm gửi tới tạp chí Molecules and Cells và được chấp nhận. Ngày 14/9, bài báo đã được xuất bản và Nguyễn Phước Lập là tác giả thứ 2.
Học tiến sĩ chỉ là khởi đầu
“Cả nhóm phải cố gắng tập trung làm việc hết công suất. Ngay cả thầy tôi, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng thầy vẫn trực tiếp mỗi ngày làm việc trên phòng lab, trong phòng an toàn sinh học cấp 3 để làm thí nghiệm. Đó là điều khiến tôi rất trân trọng và như được truyền động lực”.
Nhưng bài báo này mới chỉ là điểm bắt đầu. Mục tiêu tiếp theo của nhóm là tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật và lâm sàng.
Sau 2 tháng cùng nhóm nghiên cứu, trăn trở giữa việc tiếp tục ở lại Hàn Quốc theo đuổi dự án hay lên đường sang Đan Mạch là điều khiến anh không khỏi băn khoăn.
“Tôi có trao đổi với thầy. Thầy rất vui và động viên tôi nhất định phải đến Đan Mạch học”.
Trước đó, Lập từng hụt hẫng vì đã “rải” hồ sơ đi rất nhiều nơi nhưng không được chấp nhận vì hướng nghiên cứu của anh không phù hợp với trường. Trải qua nhiều khó khăn, anh không muốn bỏ lỡ cơ hội theo đuổi bậc tiến sĩ tại ngôi trường top đầu của Đan Mạch.
Vì thế, tháng 1/2021, Lập quyết định lên đường theo đuổi Tiến sĩ ngành Y sinh tại Đại học Copenhagen trong vòng 3 năm.
Sang Đan Mạch, không bỏ phí thời gian, anh ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu. Hướng đi mới của anh liên quan đến cơ chế phân tử của bệnh học, trong đó tập trung vào cơ chế gây bệnh ung thư, dựa trên tính sửa chữa của DNA và kiểm soát chu trình tế bào, từ đó có thể sàng lọc ra những loại thuốc có thể ức chế quá trình phát triển của tế bào gây bệnh ung thư.
“Hiện tại, công nghệ mRNA đã được áp dụng để tạo ra vắc xin cho virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học cũng đang có hướng sử dụng công nghệ mRNA để điều trị bệnh ung thư. Tôi cho rằng đây cũng sẽ là hướng đi tiềm năng và triển vọng”.
Quyết định chuyển sang mảng nghiên cứu về ung thư, anh Lập cho rằng, “học thạc sĩ hay tiến sĩ vẫn là giai đoạn khởi đầu. Tôi muốn mình được dấn thân, thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sau đó, đến giai đoạn sau tiến sĩ sẽ là lúc bản thân tìm ra hướng đi và tập trung vào lĩnh vực mà với mình là thế mạnh”.
Anh cũng cho rằng, với người làm nghiên cứu, bài học quan trọng nhất là “không được ngủ quên trong chiến thắng”.
“Có thể mình đã đạt được mục tiêu nào đó rồi, nhưng so với thế giới bao la ngoài kia, điều đó không là gì cả. Với nhà khoa học, bài học này lại càng cần ghi nhớ. Bởi, khoa học biến đổi không ngừng và liên tục phát triển. Nếu dừng lại tức mình đang đi thụt lùi. Do đó, tôi luôn phải tự nhắc nhở mình cần phấn đấu nhiều hơn”.
Điều đầu tiên mỗi khi thức dậy tôi thường làm là lên Internet, theo dõi lĩnh vực mình đang nghiên cứu hôm nay có điều gì mới. Rất có thể từ đó sẽ đem lại nhiều ý tưởng cho mình.
Và, tôi tin rằng, “cách hủy hoại một người dễ dàng nhất là để họ làm theo những điều họ muốn”. Cho nên, việc đặt bản thân vào một khuôn khổ và phải đề ra những mục tiêu cụ thể là điều rất cần thiết”, Lập chia sẻ.
Thúy Nga
Kỹ sư Việt tại Mỹ nghiên cứu miếng dán đưa vắc-xin Covid-19 vào cơ thể
Vừa sáng chế thành công loại khẩu trang sinh học có nhiều tính năng đột phá, PGS.TS Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu còn đang tập trung để tạo nên những miếng dán trên da để đưa vắc-xin Covid-19 vào cơ thể một cách dễ dàng.