Những chàng trai ‘sinh ra từ làng’ thuộc thế hệ 9X quyết tâm giữ nghề truyền thống, không ngần ngại ngồi vỉa hè các con phố ở Hà Nội để bán xôi Phú Thượng.
Lời tòa soạn: Với hàng trăm hộ gia đình đang theo nghề nấu xôi, Phú Thượng là làng nghề hiếm hoi vẫn ngày ngày đỏ lửa, đưa hàng tấn xôi đi khắp thành phố.
Để có kinh nghiệm nấu xôi ngon và tạo dựng được thương hiệu như ngày nay, các thế hệ người dân ở Phú Thượng đã trau dồi, đúc rút được nhiều kỹ năng trong từng công đoạn chế biến.
Từ khi nghề làm xôi Phú Thượng được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, anh Nguyễn Thế Hoàng (SN 1991) cũng như bao người dân khác trong làng vẫn tiếp tục miệt mài làm công việc của mình.
Vòng xoay công việc mỗi ngày không thay đổi, cả nhà anh dậy từ 2h sáng làm nghề. Khi trời còn nhá nhem, mỗi người chở thúng xôi đầy ắp tỏa đi các điểm bán hàng và cuối buổi trở về, chuẩn bị các công đoạn cho ngày bán hàng tiếp theo.
Điểm khác duy nhất so với trước đây mà anh Hoàng nhận thấy, đó là thỉnh thoảng có vị khách đùa vui: "Bán cho tôi gói xôi di sản!".
Đã 7 năm nay, dù nắng hay mưa, ngày bình thường hay lễ Tết, 9X đều đặn vượt qua chặng đường gần 20km để tới góc vỉa hè đường Tân Triều (Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội). Hàng xôi của chàng thanh niên với nụ cười đẹp như hot boy dần trở thành điểm phục vụ bữa sáng quen thuộc với mọi người trong làng.
Ngày thường, anh Hoàng bán đủ loại từ xôi xéo, xôi lạc, xôi ngô, xôi gấc, xôi đậu xanh… Ngày lễ Tết, anh bán thêm rượu nếp, xôi ngũ sắc, bánh trôi, bánh chay... Giá bán trung bình là 10.000 đồng/gói xôi. Ai thích ăn thêm thịt, trứng, chả thì mỗi gói tầm 15.000 - 20.000 đồng.
"Tiền hàng mỗi ngày thu về từ 1,5 - 2 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Tôi thích làm công việc này, vì không bị gò bó về thời gian như đi làm Nhà nước", anh Hoàng chia sẻ.
Ngày thường, anh Hoàng bán được khoảng 25 - 30kg xôi. Những dịp cao điểm lễ Tết, anh bán được cả tạ
Trước đây, anh Hoàng làm nhân viên ngành bưu điện. Năm 2017, sau khi lấy vợ, anh quyết định nghỉ việc về làm nghề nấu xôi cùng gia đình. Khi anh tuyên bố quyết định bỏ việc về bán xôi, bố mẹ anh rất vui mừng vì con trai theo nghề gia truyền.
“Mới đầu đi bán xôi, tôi cũng hơi ngại, lóng ngóng và run. Người khác cứ nhìn tôi với ánh mắt thắc mắc tại sao thanh niên lại đi bán hàng vỉa hè… Được cái người làng Triều Khúc ở chỗ tôi ngồi bán hàng, họ vui tính lắm. Khách đến mua thường động viên tôi cố gắng kiên trì, đừng bỏ cuộc. Dần dần tôi cũng quen và gắn bó với nơi đây đã 7 năm", anh Hoàng nhớ lại.
Anh Hoàng dự định sau này sẽ thuê một cửa hàng. Tuy nhiên, anh cần phải đầu tư bán thêm các mặt hàng khác nữa tránh lãng phí không gian, thời gian và tiền thuê mặt bằng. “Bán hàng xôi chỉ trong buổi sáng, sớm muộn gì tôi cũng phải phát triển hơn chứ ngồi mãi vỉa hè làm sao được”, anh Hoàng cười nói.
Giống như anh Hoàng, anh Công Minh Cường (SN 1990) cũng nghỉ việc kế toán công ty vận tải xây dựng về bán xôi.
“Nhà tôi có 2 anh em trai, anh trai tôi không theo nghề xôi. Mỗi khi có đơn hàng lớn hay vào đợt cao điểm, bố mẹ tôi đều phải thuê người làm. Nhưng người trong làng bận việc của nhà họ, người ngoài thì chủ yếu để học lỏm nghề nên không thuê ai được bền lâu. Vì thế, tôi quyết định bỏ việc về quê cùng mẹ giữ và phát triển nghề gia truyền", anh Cường nói.
Nấu xôi tưởng là công việc nhẹ nhàng dành cho phụ nữ, nhưng ở làng xôi Phú Thượng, đó là việc nặng nhọc, cần có sự chung sức của gia đình.
"Mỗi rá gạo nặng 5 - 7kg, khi ngâm nước lại càng thêm nặng. Nhiều người trong làng mắc bệnh nghề nghiệp thoái hóa, thoát vị đĩa đệm vì bê vác nặng, sai tư thế khi xóc gạo... Vì thế, những công việc nặng nhọc như xóc gạo, đồ xôi hầu hết là việc của đàn ông. Phụ nữ và trẻ em làm các việc phụ như xếp lá, ngâm gạo, làm hành, ruốc... Nam nữ bình đẳng nên tôi ngồi bán xôi vỉa hè cũng không ngại", anh Cường chia sẻ.
Trời chưa sáng, anh Cường và vợ đã sắp xếp đồ lên xe ô tô để chuẩn bị đi bán hàng
Những người trẻ đưa thúng xôi "di sản" đi xa
Sáng sớm, đứng ở các cửa ngõ làng Phú Thượng, có thể thấy người dân điều khiển đủ các loại phương tiện mang theo những thúng xôi tỏa đi muôn nơi.
Anh Cường và vợ cùng nhau xếp thúng xôi và những món đồ lặt vặt lên chiếc ô tô CRV đi tới điểm bán hàng ở chân cầu vượt Đông Trù (Đông Anh). Để vợ ở lại đó bán hàng, anh Cường quay về nhà chở tiếp đồ của mình đi bán ở một điểm khác. Khi bán hết hàng, anh Cường sang Đông Anh đón vợ về nhà.
Gần đó, anh Hoàng cũng đang xếp các mặt hàng của mình lên chiếc xe 5 chỗ của mình. Nhiều lần, khi vừa dừng xe, chưa kịp bày bán đã có đông khách xếp hàng chờ mua, anh Hoàng rất vui.
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy người bán xôi vỉa hè đi ô tô. Anh Hoàng chia sẻ: “Làng tôi có rất nhiều người đi ô tô bán hàng, đó là chuyện rất bình thường với người dân làng nghề. Mỗi thúng xôi nặng 25 - 30kg. Chúng tôi đi bán hàng còn mang theo nhiều thứ khác cồng kềnh, đi xe máy khá nặng và nguy hiểm.
Ô tô cũng chỉ là phương tiện che mưa che nắng giúp mọi người an toàn hơn trên đường mà thôi. Quanh khu nhà tôi có nhiều thanh niên đi bán xôi lắm, có người sang tận Bắc Ninh, Đông Anh, Hà Đông… đi xa 30 - 40km mỗi ngày là bình thường. Vì thế mọi người mua xe để phục vụ cho công việc".
Chiếc ô tô tiền tỷ là phương tiện phục vụ đi lại, giúp người dân làng nghề an toàn hơn trên đường đi bán hàng
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Hữu Hiệp (SN 1983) cho biết: Trước đây người dân làng nghề xôi Phú Thượng sản xuất và hoạt động manh mún, không chú trọng xây dựng thương hiệu. Cứ 4 - 5h sáng, mọi người sẽ tập hợp ở đầu làng rồi xe lam chở đi khắp 5 cửa ô, len lỏi quang gánh, thúng xôi đội đầu đi bán rong trên các con phố. Nhưng bây giờ, không ai bán xôi đi xe đạp nữa, đi xe máy là thấp nhất, còn nhiều người đi ô tô.
"Xôi bây giờ không đơn giản như ngày xưa. Người dân Phú Thượng đã bắt kịp thời đại và hợp thị hiếu người tiêu dùng. Họ học hỏi du nhập các loại xôi từ nước ngoài như xôi mít, xôi xoài của Thái Lan....
Những người con làng Gạ đã từng bước tạo dựng danh phận cho xôi của làng nghề. Thật tự hào khi xôi Phú Thượng đạt danh hiệu OCOP 4 sao, là món ăn phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, quảng bá ẩm thực quốc tế… và ngày nay trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể", anh Hiệp nói.
Lấy chồng người làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) đã gần 20 năm, nàng dâu 8X tạo dựng thương hiệu món ăn quê nổi danh trên mạng xã hội và lan tỏa khắp đất nước.
Dù các con đã khôn lớn trưởng thành, kinh tế gia đình ổn định, nhưng bà quyết không bỏ nghề. Bà vẫn miệt mài ngày đêm làm ra những chiếc bánh chè lam đặc sản làng Thạch Xá.