- Dù mới vận hành được 2 tháng nhưng mô hình đưa cơm mẹ nấu đến với dân văn phòng của 3 chàng trai trẻ đã có những bước tiến khả quan.

{keywords}
Nhóm 3 chàng trai sáng lập Cơm mẹ nấu. Ảnh: NVCC

Đồng sáng lập KitFe gồm có Võ Ngọc Qúi, sinh năm 1991, tốt nghiệp ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Bảo Khang, sinh năm 1991, cử nhân ĐH North Carolina (Mỹ) và Tạ Phước Hải, sinh năm 1989, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Tốt nghiệp 3 trường đại học khác nhau, ở mọi miền trong và ngoài nước nhưng điểm chung của 3 chàng trai đều là ước muốn khởi nghiệp bằng những ý tưởng mới, mang lại giá trị cho cộng đồng.

“Cơm mẹ nấu” là một hướng mới được nảy ra trong quá trình thực hiện dự án KitFe – nơi kết nối món ăn của các nhà hàng tới người tiêu dùng.

Nhận thấy thị trường cơm văn phòng có tiềm năng lớn hơn, cả nhóm bắt tay vào thực hiện ý tưởng “cơm mẹ nấu” – đưa bữa cơm gia đình đến với dân công sở với giá tiền tương đương cơm ngoài hàng.

“Bọn em muốn khi các bà nội trợ nấu ăn cho gia đình sẽ nấu thêm một vài suất để cung cấp cho dân văn phòng, vừa an toàn, ngon miệng, giá cả lại phải chăng” – Võ Ngọc Qúi chia sẻ.

{keywords}
Tạ Phước Hải - trưởng nhóm khởi nghiệp KitFe, cũng là người phụ trách về kỹ thuật của nhóm. Ảnh: NVCC

Với những mẹ muốn kiếm thêm thu nhập, có thể đăng ký trên website. Sau đó, đội ngũ của “cơm mẹ nấu” sẽ liên lạc lại với các mẹ để trao đổi, hướng dẫn, đề nghị các mẹ nấu thử và cho ăn thử. “Bởi vì nhiều người nấu chưa chắc đã ngon nên bọn em phải đặt thử, chọn lọc. Sau khi ổn định hết các quy trình rồi mới cho đem bán” – chàng trai quê Đà Nẵng giải thích.

Để đảm bảo sứ mệnh đặt ra của ý tưởng là “cơm mẹ nấu” – an toàn, chế độ nấu như cơm gia đình, quy định của dịch vụ là mỗi mẹ chỉ được nhận nấu từ 4-5 suất ăn. “Hằng ngày khi các mẹ nấu cơm cho gia đình sẽ nấu dư ra vài suất, đúng với tiêu chuẩn nấu cho gia đình ăn, chứ nếu cho phép nhận nấu từ 10-15 suất, họ có thể nấu một bữa ăn khác, nguyên liệu và chế độ khác”.

“Những người sáng lập ý tưởng này muốn đảm bảo đúng kiểu nấu ăn cho gia đình, chứ không nặng về kinh doanh. Hôm nào các mẹ có sức thì nấu nhiều hơn thôi” – Phước Hải chia sẻ.

{keywords}
Võ Ngọc Qúi, chàng trai quê Đà Nẵng, một trong ba thành viên của Cơm mẹ nấu. Ảnh: NVCC

Với mức giá 35 nghìn cho tất cả các suất ăn, khách hàng khi đăng nhập vào trang, hệ thống sẽ hiển thị tất cả các món ăn, người nấu, ai thích ăn gì, quen với khẩu vị của ai nấu thì chọn người ấy.

“35 ngàn là giá đến tay khách hàng với tất cả các chi phí vận chuyển. Ngoài ra, bạn có thể đặt theo tháng với mức giá 650-750 ngàn/ tháng, tính ra chỉ có 25-28 nghìn/ suất”.

Hiện tại, dịch vụ chưa mang lại lợi nhuận, thậm chí ban đầu phải chịu lỗ vì mục tiêu của nhóm là để khách hàng biết đến sản phẩm. Tuy nhiên, nhóm cũng cho biết, không có ý định tăng mức giá này trong tương lai.

Hiện tại, “cơm mẹ nấu” đã được triển khai ở hầu hết các quận nội thành Hà Nội. Từ nhóm 3 người sáng lập, đến nay quy mô nhóm đã lên tới 20 nhân viên, cộng tác viên, trong đó khoảng 10 người làm văn phòng, còn lại là nhân viên giao hàng, bán hàng. Mỗi ngày, “cơm mẹ nấu” nhận được khoảng hơn 100 đến 150 đơn hàng từ hơn 100 mẹ cung cấp.

Ngọc Qúi cho biết, mục tiêu mà Cơm mẹ nấu đặt ra trong thời gian tới là tiếp cận thị trường giống như cơm bình dân, cả “offline” chứ không phải chỉ “online”, đồng thời phát triển hệ thống phân phối.

{keywords}
Bảo Khang - cựu sinh viên ĐH North Carolina. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về những khó khăn với doanh nghiệp khởi nghiệp, Phước Hải nói: “Thường thì với công ty khởi nghiệp, 3 yếu tố quan trọng quyết định là “team”, môi trường công ty và sự kết nối để mọi người giao tiếp hiệu quả. Tại Cơm mẹ nấu, các bạn rất trẻ, rất năng động, rất máu lửa nhưng bọn mình cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tạo ra kênh để mọi người giao tiếp hiệu quả. Vì thông thường thói quen mỗi người khác nhau. Việc giao tiếp hiệu quả sẽ giúp mọi người trong “team” hiểu sâu về sản phẩm mình làm, cũng như tạo đủ “lửa” để anh em cháy hết mình với mục tiêu chung”.

Nói về hướng phát triển trong thời gian tới của KitFe, Hải cho biết: “Với một công ty khởi nghiệp, nói về kế hoạch 6 tháng đã là cảm thấy hơi xa huống chi là 1,2 năm nữa. Tuy nhiên, anh em trong team Cơm mẹ nấu luôn trong tâm thế mong muốn đưa cơm mẹ nấu trở thành mô hình lớn mạnh có thể mang đến bữa cơm ngon và sạch cho toàn dân công sở tại Hà Nội nói riêng, cũng như mở rộng vào TP.HCM, để mọi người an tâm hơn về bữa trưa của mình”.

Tốt nghiệp một đại học Mỹ nhưng chọn con đường khởi nghiệp đầy chông gai, Bảo Khang cho rằng, với em, khởi nghiệp là niềm vui, là sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm, giữa những người chung ý tưởng, chung mục đích để mỗi ngày làm việc đều là một ngày vui. “Những điều này đôi khi không thể tìm được ở một công ty bên ngoài”.

  • Nguyễn Thảo