Dương Đức Tâm (sinh năm 1998, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang theo học bậc thạc sĩ tại Trường Đại học Nhân dân Trung hoa với học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc.
Trước đó, Tâm là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại một trường tư ở Hà Nội. Với Tâm khi ấy, lựa chọn Ngôn ngữ Trung Quốc vì nam sinh cảm thấy thích thú với văn hóa Trung và nghĩ rằng ngành học này có thể cho mình một công việc ổn định.
Tuy nhiên, khi mới vào trường, đa phần các bạn trong lớp của Tâm đều đã biết tiếng Trung, riêng em bắt đầu từ con số 0. Hai năm đầu, thành tích học tập của Tâm luôn ở mức thấp, thậm chí thường xuyên xếp cuối lớp. Không những thế, Tâm còn bị ngọng giữa “l” và “n” – điều suốt 18 năm em không hề biết “vì ở quê em ai cũng nói như thế”.
Trong buổi học phát âm đầu tiên, cô giáo nhận ra Tâm phát âm sai khá nhiều, lưỡi đặt cũng không đúng vị trí. Điều này là một rào cản khiến Tâm khó phát âm chuẩn chỉnh. Thậm chí, từng có lúc cô giáo khuyên Tâm nên chuyển khoa bởi nếu tiếp tục theo đuổi ngành học này sẽ rất vất vả.
Xuất phát điểm có nhiều thứ yếu hơn các bạn, để bắt kịp trong việc học, với Tâm cũng rất khó. Mặc dù vô cùng chán nản, nhưng nam sinh nhận thấy nếu cứ mãi như vậy, tương lai của mình vẫn sẽ tăm tối. “Em quyết tâm phải sửa được tật nói ngọng”, Tâm nói.
3 ngày sau đó, ngày nào nam sinh cũng chăm chỉ luyện phát âm “l”, “n”, đến nỗi “lưỡi cảm giác như mềm nhũn”. Dần dần, Tâm khắc phục được điểm yếu này để đảm bảo tiến độ học tập. Khắc phục được lỗi sai của 18 năm, Tâm nhận thấy bản thân có chút thành tựu nhỏ và thêm động lực cố gắng.
Nhưng khi phát âm đã tạm chấp nhận được, Tâm tiếp tục gặp khó khăn khi lượng ngữ pháp và từ vựng trong chương trình quá nhiều. Hơn 1 năm với nhiều nỗ lực, điểm số Tâm nhận về vẫn lẹt đẹt. Điều này một lần nữa khiến cậu sinh viên năm hai chán nản, tiếp tục hoài nghi bản thân.
Đã có lúc Tâm định bỏ cuộc, chuyển sang khoa khác như lời khuyên của cô giáo. Nhưng nếu chuyển khoa, số tiền học đã đóng trước đó là quá lớn.
“Bố mẹ em mỗi ngày đều phải dậy từ 3h, đi xe máy hơn 60km xuống Hà Nội bán hàng. Dù vậy, kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn. Để em được đi học, mẹ phải vay tiền của hội khuyến học xã. Cho nên, nếu đổi ngành học, bao nhiêu công sức của bố mẹ đổ sông, đổ bể, trong khi em cũng không chắc việc học ngành mới có thuận lợi hay không”.
Đấu tranh tư tưởng không ít lần, Dương Đức Tâm cuối cùng vẫn quyết định phải “yêu lại từ đầu” với ngành đã học.
Để có thể chinh phục được tiếng Trung, Tâm cho rằng cần xuất phát từ tình yêu với văn hóa, ngôn ngữ này. Nam sinh thả lỏng tư tưởng, bắt đầu xem nhiều phim Trung Quốc, tìm kiếm những người bạn Trung để trò chuyện. Tâm cũng hỏi những người đi trước để tìm ra phương pháp học phù hợp với bản thân.
Khi đã có động lực nội tại và chủ động trau dồi kiến thức, Tâm nhận ra ngành học này thực tế hay hơn những gì mình nghĩ.
Thời điểm ấy, ban ngày đi học, buổi tối Tâm vẫn đi dọn vệ sinh theo giờ với mức lương 25.000 đồng. Mỗi ngày trở về phòng trọ khi đã mệt lả, nam sinh vẫn quyết tâm ngồi vào bàn học đến 1 – 2 giờ đêm.
“Nhiều khi cảm thấy mệt, em muốn nằm xuống giường ngủ một giấc thỏa thuê, nhưng sau đó em tự hỏi bản thân đã cố gắng hết sức chưa nên lại bật dậy học tiếp”.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối năm 2, Tâm bắt đầu bứt phá. Nam sinh thử sức với cuộc thi Hùng biện tiếng Hán của trường, sau đó giành được giải Nhì. Kết quả này như cú tạo đà giúp Tâm bắt đầu khao khát được “vươn ra biển lớn”.
Đến năm thứ 3, nam sinh tiếp tục tham gia cuộc thi Tranh biện tiếng Hoa có quy mô toàn miền Bắc và miền Trung. Trong cuộc thi ấy, Tâm được quán quân và cũng giành giải thí sinh xuất sắc nhất.
Kết quả này giúp Tâm có được một suất học bổng do Bộ Giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) trao tặng, đi học trao đổi trong vòng 2 tháng. Chuyến đi ấy đã giúp Tâm thay đổi hoàn toàn tư duy về tiếng Trung và càng kiên định hơn với con đường của mình.
Sau đó, những thành quả khác lần lượt đến với Tâm. Vào cuối năm 3 đại học, Tâm có cơ hội trở thành MC trong các bản tin tiếng Trung của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Cơ hội dành cho ai có sự chuẩn bị
Từng là học sinh yếu kém, luôn cảm thấy mông lung, mất định hướng, liên tục phải vật lộn để tìm ra hướng đi, Tâm mong muốn được chia sẻ về những điều em đã trải qua. Vì thế, 9X bắt đầu tập làm Youtube, TikTok, Podcast nói về cách học tiếng Trung và những khó khăn trên hành trình ấy.
Không ngờ, những video của Tâm được nhiều người đón nhận. Nhiều bạn trẻ đang cảm thấy hoang mang trên hành trình của mình, chia sẻ rằng khi xem video của Tâm, họ cảm thấy như được tiếp thêm động lực. Đến nay, các kênh của Tâm đã có tới hơn 400.000 người theo dõi.
Sau khi ra trường, Tâm tiếp tục lựa chọn thử sức ở nhiều lĩnh vực như đi dạy, làm việc ở một tập đoàn viễn thông của Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm, duy trì công việc MC ở Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Theo Tâm, nếu kiến thức học được chỉ giữ ở trong đầu, không có trải nghiệm thì cũng vô ích.
Trong quá trình làm việc, Tâm nhận ra kiến thức về tiếng Trung của mình vẫn chưa đủ, đặc biệt với định hướng nghiên cứu, giảng dạy trong tương lai. Vì thế, Tâm bắt đầu nhen nhóm ước mơ đi du học để nâng cao kiến thức học thuật.
Nhờ sự tìm tòi và chuẩn bị nghiêm túc, Tâm thuận lợi xin được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Đây là một trong những ngôi trường đại học hàng đầu tại Bắc Kinh.
Trong năm đầu tiên, Tâm đạt thành tích là du học sinh có kết quả học tập xuất sắc nhất, trở thành 1 trong 3 đại diện Nhân Đại tham gia Trại hè nghiên cứu cùng với những sinh viên ưu tú khác đến từ các trường hàng đầu Trung Quốc.
6 năm qua với nhiều trải nghiệm đã giúp Tâm nhận ra rằng, cơ hội chỉ dành cho những ai có sự chuẩn bị.
“Nhiều người trẻ luôn gặp áp lực, hoang mang vô định với con đường đi của bản thân. Nhưng em nghĩ rằng hãy cứ như con ong chăm chỉ, tích lũy từng ngày, đến một lúc nào đó sẽ có cơ hội phù hợp mở ra”.
Trong khoảng thời gian 1 năm còn lại ở Trung Quốc, Tâm dự định sẽ học thêm tiếng Hàn, tiếng Pháp và phương ngữ, sau đó tiếp tục tìm cơ hội học lên tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng.