Tại Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" diễn ra sáng 2/10 - sự kiện điểm nhấn của Ngày thẻ Việt Nam 2024, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện có 97% giao dịch được thực hiện trên kênh số với 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội xây dựng thành phố thông minh.
7 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng (tăng 58,4% về số lượng và 35% về giá trị); qua kênh Internet đạt 1,72 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 42 triệu tỷ đồng (tăng 49,8% về số lượng và 33,7% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt 6,48 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 41,1 triệu tỷ đồng (tăng 59,1% về số lượng và 38% về giá trị); giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng (tăng 106,8% về số lượng và 105,5% về giá trị).
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 17 năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/1/2025, những tài khoản ngân hàng chưa được xác thực sinh trắc học sẽ bị dừng giao dịch trên kênh điện tử. Dữ liệu tài khoản phải đảm bảo là dữ liệu sống, được đối chiếu một cách đầy đủ với CCCD để giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, góp phần ngăn chặn việc lừa đảo.
“Tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống, từ mua bán hàng hoá, dịch vụ đều gắn với dịch vụ ngân hàng. Nếu không tích hợp được thành phố thông minh với hoạt động ngân hàng, người dân sẽ chỉ là một phần của thành phố thông minh. Ngược lại, hoạt động ngân hàng cũng không thể tách rời hoạt động của thành phố thông minh”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân.
“Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Cụ thể, với hệ thống giao thông thông công cộng, bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội - dẫn chứng, trung tâm đã phối hợp triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ hành khách và tăng cường năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, như: Thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức; phần mềm giám sát hành trình (GPS); ứng dụng Busmap; thí điểm hệ thống giao thông thông minh.
Trong đó, có các dự án trọng điểm như: Thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông; phần mềm giám sát hành trình xe buýt (GPS) tại các đơn vị xe buýt...
Theo danh mục dữ liệu mở năm 2025 về giao thông, TP Hà Nội sẽ tích hợp dữ liệu về các tuyến đường nội đô, các điểm đỗ xe, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, hệ thống đèn đường, biển báo, danh sách các tuyến đường cấm trên địa bàn.
Trong năm nay, thành phố đã chỉ đạo tích hợp dữ liệu giao thông lên ứng dụng iHaNoi (công dân Thủ đô số). Qua đó, người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với cơ sở dữ liệu giao thông của thành phố.
Về hạ tầng thanh toán bán lẻ cho thành phố thông minh, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), cho biết, Napas đã tích hợp thanh toán thông minh vào cổng dịch vụ công quốc gia, VNEID, thanh toán hồ sơ bằng các phương thức không tiền mặt. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện ngay trên phần mềm dịch vụ công quốc gia, hay thành phố.
Với định hướng của Chính phủ là đến năm 2030, Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên phương tiện điện tử khác nhau, 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các thành phố trọng điểm, cần tập trung cho hành trình chuyển đổi số để đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Phát triển kênh số và đối tác, Ngân hàng Vietcombank, đánh giá, các giải pháp thông minh cho tiện ích đô thị được coi là yếu tố cơ bản xuyên suốt, đặc biệt, thanh toán số sẽ là công cụ đắc lực để thực hiện điều đó.
“Thanh toán số hiện diện trong mọi lĩnh vực từ các dịch vụ thiết yếu như: Giao thông thông minh, y tế số, giáo dục số, dịch vụ tiện ích, dịch vụ hành chính công trực tuyến đến ngành bán lẻ, du lịch thương mại”, ông Thanh nói.