Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng  thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017 vừa được Ban  Cơ yếu Chính phủ tổ chức hôm nay, ngày 26/10 tại Hà Nội.

Ông Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong 5 năm qua và làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; đồng thời tìm ra nguyên nhân, đề xuất phương hướng, giải pháp kiến nghị các cấp có thẩm quyền để tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ bảo mật, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hội nghị sơ kết 5 năm về chữ ký số chuyên dùng cũng là dịp để Ban Cơ yếu Chính phủ trao đổi, giới thiệu với các đại biểu về những nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm đang thực hiện, thống nhất cơ chế phối hợp với các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ đáp ứng yêu cầu triển khai các chương trình, dự án CNTT.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017.

Thứ trưởng nhận định, cùng với việc cấp chứng thư số, các đơn vị chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ đã tư vấn, hỗ trợ triển khai, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước trong quá trình sử dụng chứng thư số, chữ ký số.

“Việc sử dụng chứng thư số trong các cơ quan nhà nước đã góp phần đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, hình thành Chính phủ điện tử”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 Việc ứng dụng và triển khai chữ ký số, theo Thứ trưởng, cũng đã nhận được sự đồng thuận cả về nhận  thức và hành động của các cấp lãnh dạo và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Hầu hết các địa phương trên cả nước đã thể chế hóa việc ứng dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các quy chế, quy định về việc sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước nhằm tạo động lực thúc đẩy triển khai chữ ký số.

Trong báo cáo sơ kết 5 năm (2012 - 2017) về chữ ký số chuyên dùng, ông Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, hoạt động bảo đảm, cung cấp chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đáp ứng nhu cầu gia tăng rất mạnh qua từng năm. Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp chứng thư số tại 3 miền Bắc - Trung Nam, đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu về cung cấp, quản lý sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.

Ông Đào cũng cho biết, tính đến hết tháng 9 năm nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã bảo đảm cung cấp trên 85.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.

“Số liệu thống kê cho thấy, nếu như giai đoạn 3 năm, từ 2007 - 2009, số lượng chứng thư số cung cấp chỉ dừng lại ở con số gần 2.000 thì 3 năm sau đó, từ 2010 - 2012 đã tăng trưởng gấp 5 lần; đặc biệt 5 năm sau, từ 2013 - 2017, nhu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã tăng trưởng gấp 7 lần so với cả 2 giai đoạn trước đó. Qua công tác bảo đảm cung cấp cho thấy, năm sau luôn tăng so với năm trước, có năm tăng 200%”, ông Đào cho hay.

Báo cáo sơ kết của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng chỉ rõ, đến hết tháng 9/2017, đã có 28/30 cơ quan, chiếm 93% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Trong số 28 bộ, ngành đã ứng dụng, đã có 25 cơ quan đã thể chế hóa việc áp dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành.

Trong phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2017 vừa qua, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước cũng đã dược hai bên phối hợp thực hiện tốt.

Tổ công tác liên ngành giữa Bộ  TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ về dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng đã được thành lập để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai cơ quan. Thời gian tới, Bộ  TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ để tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các chính sách, biện pháp xử lý phù hợp.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước, tôi đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa việc cung cấp, sử dụng, quản lý chứng thư số cho các cơ quan nhà nước và hỗ trợ các cơ quan nhà nước sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng”, Thứ trưởng nói.