Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025 được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ký Quyết định 1831 ban hành vào ngày 1/11.

Theo danh mục này, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 thuộc 9 ngành, lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; Hạ tầng năng lượng; Hạ tầng CNTT; Hệ thống xử lý rác, nước thải; Hạ tầng giáo dục và y tế; Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; Ngành nông, lâm, thủy sản; Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

{keywords}
Trong 9 dự án lĩnh vực hạ tầng CNTT kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025, có 4 dự án tại khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Ảnh minh họa: baodautu.vn)

Với lĩnh vực hạ tầng CNTT, 9 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025 gồm có: “Khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT, khu CNTT tập trung Đà Nẵng”, với tổng vốn đầu tư 217 triệu USD; “Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày, triển lãm CNTT, khu CNTT tập trung Đà Nẵng”, tổng vốn đầu tư 158 triệu USD; “Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu CNTT tập trung Đà Nẵng”, tổng vốn đầu tư 73 triệu USD; “Khu R&D, khu CNTT tập trung Đà Nẵng”, tổng vốn đầu tư 43 triệu USD; “Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu CNTT tập trung Yên Bình” (Thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), có tổng vốn đầu tư 185 triệu USD; “Khu CNTT tập trung Cần Thơ” (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ);

“Dự án Sản xuất các sản phẩm, thiết bị ứng dụng công nghệ AI, Robotic, IoT, Smart City, Pin thế hệ mới”, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư theo quy mô của các nhà đầu tư; “Dự án dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sử dụng công nghệ sinh học từ thiên nhiên”, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, với vốn đầu tư theo quy mô của nhà đầu tư; “Dự án sản xuất máy và thiết bị công nghiệp tiêu chuẩn quốc tế”, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, cũng có vốn đầu tư theo quy mô của nhà đầu tư.

Cả 9 dự án lĩnh vực hạ tầng CNTT kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025 đều có hình thức đầu tư liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định 1831; chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục; rà soát, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; kinh phí của các hoạt động thực hiện theo quy định.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam vào ngành TT&TT lũy kế đến ngày 20/12/2020 là 2.323 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.966 triệu USD. Trong năm 2020, số dự án đầu tư ngoài vào ngành TT&TT được cấp mới là 206 dự án, vốn đăng ký cấp mới là hơn 271 triệu USD.

Theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2020, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 4 khu CNTT tập trung được thành lập theo Nghị định 154 năm 2013 của Chính phủ, bao gồm: Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM), Công viên phần mềm Đà Nẵng, khu CNTT tập trung Cầu Giấy-Hà Nội và Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Các khu CNTT tập trung này có tổng số 887 doanh nghiệp hoạt động, với tổng số 42.700 nhân lực CNTT.

Ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ, có diện tích 200.219 m2, thuộc địa bàn phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Trước đó, vào tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung khu CNTT tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200 ha vào “Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Vân Anh

Bổ sung khu CNTT Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung

Bổ sung khu CNTT Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung khu CNTT tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200 ha vào "Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".