Những tháng mùa khô với biên độ nhiệt dao động thất thường mỗi ngày là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh lở miệng, rộp môi phát triển.

Bệnh nhiệt miệng do virus Herpes gây nên, có thể được điều trị nhanh chóng bằng cách kết hợp thuốc uống (do bác sĩ kê đơn) và kem bôi (dễ dàng mua ở tiệm thuốc). Tuy nhiên, nếu bạn muốn chữa lành vết loét một cách tự nhiên, những phương thuốc sau sẽ là sự lựa chọn tối ưu.

1. Lá tía tô đất (lemon balm): Nằm trong họ bạc hà, lá tía tô đất có thể rút ngắn thời gian làm lành vết loét và ngăn chặn tái phát. Không chỉ có tính kháng khuẩn, kháng virus mạnh, tinh chất từ lá tía tô đất còn có tác dụng an thần, giảm stress. Loại cây này thường được trồng trong vườn nhà, bạn có thể hái lá, đem giã nhỏ và đắp lên chỗ loét; hoặc sử dụng các sản phẩm từ lá tía tô đất như trà thảo mộc, thuốc mỡ.

2. Mật ong: Các nghiên cứu cho thấy tính sát trùng của mật ong nguyên chất có thể giúp tiêu diệt hay ức chế sự phát triển của vi khuẩn, virus. Khi bị nhiệt bên trong miệng, bạn có thể ngậm một ít mật ong, hoặc dùng tăm bông thấm mật rồi bôi vào chỗ loét. Phương thuốc này chỉ nên dùng cho trẻ em từ một tuổi trở lên.

3. Dầu bạc hà: Dầu bạc hà có khả năng tiêu diệt vi sinh vật bên ngoài tế bào. Bình thường, virus Herpes khu trú ở dưới da và chờ đợi cơ hội bùng phát. Khi vết loét vừa xuất hiện, bạn có thể bôi dầu bạc hà để diệt khuẩn: đầu tiên súc miệng thật sạch, dùng tăm bông chấm một ít nước trước khi nhúng vào dầu bạc hà, rồi thoa lên vết loét, mụn rộp.

4. Trà hoa cúc hay trà cam thảo: Trà hoa cúc giúp thanh nhiệt và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm tỷ lệ phát bệnh và rút ngắn thời gian ảnh hưởng của virus. Ngoài ra, glycyrrhizic acid, một thành phần trong rễ cam thảo, có đặc tính chống viêm và kháng virus sẽ ngăn chặn vết loét lan rộng, chống lại các triệu chứng và giảm bớt khó chịu cho bệnh nhân.

{keywords}

5. Lá bồ ngót: Là loại rau phổ biến mà các bà nội trợ hay dùng nấu canh, bồ ngót có tính mát và chữa nhiệt miệng rất hiệu quả. Bạn chỉ cần mua bồ ngót tươi, lặt lá, giã nhỏ và đắp lên chỗ loét hoặc ép lấy nước hòa cùng mật ong rồi bôi lên vùng miệng bị sưng đỏ, thực hiện từ hai đến ba lần mỗi ngày.

6. Sữa tươi: Bôi sữa tươi lên vùng da bị loét có thể giảm đau và thúc đẩy quá trình lành bệnh. Nguyên nhân do thành phần protein miễn dịch bên trong sữa gọi là globulin có tác dụng ngăn ngừa virus Herpes bộc phát. Bên cạnh đó, sữa cũng chứa L-lysine giúp ức chế sự phát triển của một acid amin gọi là arginine (đã được chứng minh gây lây lan virus Herpes trên diện rộng), giúp tăng tốc độ lành vết thương.

7. Nha đam: Tinh chất nha đam giúp giảm đau nhanh chóng ngay khi vết loét vừa sưng tấy và đẩy lùi sự tấn công của nhiều loại vi khuẩn khác. Nha đam thậm chí còn được chứng minh khả năng hỗ trợ điều trị virus Herpes type II (HSV-II, thường lây qua đường tình dục). Loại cây này có thể được trồng tại nhà và không cần nhiều sự chăm sóc. Bạn cũng có thể dễ dàng mua lá nha đam ở chợ, siêu thị.

8. Vitamin C và vitamin E: Vitamin C chứa nhiều trong dâu tây, khế, kiwi, cà chua, ớt chuông, rau bó xôi và bông cải xanh. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, rau lá xanh, trái bơ và ngũ cốc. Khi bôi hai loại vitamin này lên chỗ đau sẽ làm giảm kích ứng và khó chịu, giảm thiểu khả năng để lại sẹo. Bạn có thể bổ sung các loại vitamin bằng thuốc uống và hữu hiệu nhất là bằng chế độ ăn uống.

9. Nước đá: Dù không có tác dụng diệt khuẩn, chườm nước đá có thể giúp giảm sưng và giảm đau. Ngoài ra, khi môi bị khô hay nứt nẻ, bạn có thể dùng vaseline hoặc các loại kem bôi có thành phần SPF để lập màng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. 

Cần đổi bàn chải đánh răng sau khi phát bệnh, vì bàn chải là phương tiện hoàn hảo để “chuyên chở” virus, bạn có thể tái phát bệnh nếu sử dụng lại bàn chải đánh răng cũ.

(Theo Healthista, Everydayroots, Healthline/Phụ nữ TP.HCM)