Biến nhà thuê thành tổ ấm

Hơn 5 năm trước, chị Hứa Đặng Thanh Trúc (SN 1988, TP.HCM) theo chồng sang Nhật Bản định cư. Căn nhà đầu tiên mà vợ chồng chị sống cùng nhau nằm ở tầng trệt trong một chung cư cho thuê. 

Căn nhà mà vợ chồng chị Trúc thuê rộng khoảng 45m2, có gian bếp chưa đến 3m2 lọt thỏm giữa phòng để máy giặt và phòng khách. 

Gian bếp nhỏ là nơi vợ chồng chị Trúc cùng nhau nấu ăn.

Trong ngày đầu tiên nhận nhà, chị cảm nhận nó khá rộng rãi khi chưa có bất kỳ món đồ nội thất nào. Phía sau nhà là khoảng sân nhỏ, vừa đủ để chị tập tành trồng trọt.

Chị Trúc quan niệm bếp là trái tim của ngôi nhà. Thế nên, chị chọn cải tạo gian bếp trước tiên bằng cách đóng thêm kệ và lắp đặt giá treo tường. Tiếp đó, chị trang trí phòng làm việc, sắp xếp lại phòng giặt giũ và trồng trọt trên mảnh vườn sau hè.

“Mọi gian phòng trong ngôi nhà đều khá chật hẹp. Thế nhưng, sau khi cải tạo để tối ưu hoá không gian sử dụng, chúng tôi đã có thể cùng nhau nấu nướng trong căn bếp nhỏ, xem phim cuối tuần trong phòng ăn kiêm phòng làm việc và tổ chức những buổi tiệc nướng ấm cúng sau vườn”, chị Trúc miêu tả. 

Khu vườn nhỏ sau hè được chị Trúc chăm chút, gieo trồng.

Ngoài những điều vẫn ổn, ngôi nhà đầu tiên ấy cũng mang đến nhiều bất cập trong quá trình sinh hoạt của vợ chồng chị Trúc. Vài lần, cả hai cân nhắc đến việc chuyển nhà để tìm nơi ở mới tốt hơn.

Thế nhưng, càng tìm, chị Trúc càng nhận ra “cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia đồi” và chẳng có nơi nào là hoàn hảo cả. Vì vậy, chị quyết định đầu tư hết tình yêu của mình vào ngôi nhà thuê hiện tại.

8X Sài thành tự tay đóng những chiếc kệ bằng gỗ, làm tranh từ hoa lá ngoài vườn, cắt thảo mộc treo ngược trong nhà…

8X Sài thành tự tay làm các vật dụng bằng gỗ cho ngôi nhà đầu tiên ở Nhật.

Gần 6 năm sống trong căn nhà đầu tiên, chị Trúc cảm nhận: “Người có nhà cũng hạnh phúc như cây có đất. Nhà mua càng tốt, nhà thuê cũng không sao, miễn hai người cùng nhà luôn hỗ trợ nhau thì nhà nào cũng trở thành tổ ấm. 

Cần rất nhiều gạch đá để xây nên ngôi nhà, nhưng chỉ cần tình yêu để hình thành tổ ấm.

Nhờ căn nhà nhỏ mà tôi học được cách tận dụng tối đa không gian sống và trân trọng những gì mình đang có thay vì than vãn và buồn bã.

Đối với tôi, nhà không phải nơi chốn mà là một cảm giác. Đó là nơi mang đến cảm giác quen thuộc, thân thương và bình yên, hạnh phúc”.

“Mang, vác” ký ức xây nhà mới

8X Sài thành cứ nghĩ cả cuộc đời sẽ gắn bó, an cư lạc nghiệp ở xứ sở hoa anh đào. Thế nhưng, gần 1 năm trước, chồng của chị Trúc chuyển công tác và điểm đến là TP.HCM.

Căn bếp trong căn nhà thuê mới được chị Trúc cải tạo giống gian bếp cũ.

Một lần nữa, chị Trúc khăn gói trở về nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng mang theo sự tiếc nuối khu vườn nhỏ sau hè, gian bếp chưa đầy 3m2... ở Nhật. 

Để cân bằng cảm xúc sau khi chia tay ngôi nhà đầu tiên, chị mang hết tình yêu gửi trọn vào căn nhà mới. Nơi ở mới của vợ chồng chị nằm trong một khu chung cư yên tĩnh, nằm cạnh rạch Bến Nghé, Quận 4. Đó cũng là một căn nhà thuê, chờ người phụ nữ khéo tay cải tạo thành tổ ấm.

Những ký ức ấm áp trong ngôi nhà cũ thôi thúc vợ chồng chị Trúc “mang, vác” tất cả món đồ có thể mang theo. Ngoài những món đồ nội thất cồng kềnh, các loại cây cảnh không thể đưa đi, vợ chồng chị được công ty hỗ trợ vận chuyển những vật dụng còn lại trong định mức chi phí được đưa ra về Việt Nam.

Thời điểm nhận thông báo về việc chuyển công tác cho đến khi rời đi chỉ hơn một tháng. Trong khoảng thời gian ngắn, chị Trúc cố gắng đóng gói hầu hết mọi thứ mang theo. Đó là những đồ vật chất chứa kỷ niệm mà gia đình chị có được bên nhau trong ngôi nhà thuê đầu tiên.

“Chồng tôi nói tiền không mua được ký ức. Thế nên, anh cùng tôi gói ghém nhiều vật dụng lỉnh kỉnh để mang về Việt Nam”, chị Trúc kể.

Vợ chồng chị Trúc mang từng cái chén, lọ gia vị... về Việt Nam.

Cũng như ngôi nhà trước, chị Trúc quyết định cải tạo gian bếp mới đầu tiên. Bếp mới to hơn bếp cũ gần 4 lần nhưng chi phí cải tạo chỉ khoảng 4 triệu đồng, bao gồm: gỗ pallet ốp tường, gỗ thông đóng kệ, giấy dán mặt bếp, và các vật dụng linh tinh khác như sơn và ốc vít…

Dù cải tạo nhưng cách làm của chị Trúc không ảnh hưởng đến kết cấu, chẳng phải đục đẽo vào tường nhà. Chị chú trọng vào việc thay đổi gian bếp mới sao cho giống với nhà bếp trước đây nhiều nhất có thể.

Cũng giống như nhà cũ ở Nhật, chị Trúc bố trí khu pha chế ở phía ngoài hành lang để chồng không cần phải vào bếp mỗi khi muốn pha cà phê.

Hầu hết gia vị hiện tại đều được chuyển từ bếp cũ ở Nhật về, kể cả lọ đường hay hũ muối đang dùng dang dở.

Cách sắp xếp các ngăn tủ của căn bếp cũ cũng được chị áp dụng cho gian bếp mới. Kể cả chén dĩa, chị cũng cố gắng mang hết về Việt Nam.

Chị Trúc bắt đầu cải tạo ngôi nhà mới mang nhiều điểm giống nhà cũ.

Hộp thuỷ tinh và chai lọ cũng từ Nhật chuyển sang, nên từ ngày vào nhà mới, chị Trúc không phải bỏ thêm tiền mua sắm lại vật dụng bếp.

Hiện tại, chị Trúc chưa bận rộn chuyện con cái. Thế nên, chị tận dụng thời gian rảnh của bản thân vào việc chăm chút cho ngôi nhà mới.

Việc rời xa căn nhà đầu tiên gắn bó, chăm chút trong thời gian dài mang đến nhiều tiếc nuối với chị Trúc. Thế nhưng, khi nghĩ về những gì mình có thể làm cho ngôi nhà mới trong tương lai, người phụ nữ này lại thêm yêu tổ ấm trên quê hương.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mời độc giả gửi bài viết "Ngôi nhà đầu tiên" về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!