Xin rác, tặng rau
Anh Phạm Hùng Cường (SN 1989) ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi từng làm địa chính xã. Năm 2015, xã Tịnh Hiệp hợp nhất các hợp tác xã trên địa bàn thành một hợp tác xã mới, anh Cường được chuyển sang quản lý hợp tác xã này.
Công việc giúp anh Cường được đi nhiều nơi và nhận ra mình có “duyên” với cây trồng. Sau những lần đến các địa phương khác tham quan, học hỏi mô hình kinh tế nông nghiệp, anh nảy ra ý tưởng nuôi thỏ và trồng măng tây.
Anh Cường (bên trái) đang giới thiệu về cây măng tây. |
“Măng tây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Thời gian từ khi ươm mầm đến khi cây phát triển chỉ khoảng 3-6 tháng nhưng có thể thu hoạch cả năm. Búp măng tây khi thu hoạch chỉ lấy được phần non, phần già sẽ phải bỏ đi, rất uổng phí.
Thỏ là loại động vật ăn lá cây, các loại rau củ. Tôi muốn tận dụng phần bỏ đi của măng tây cho thỏ ăn, còn phân thỏ thì ủ để bón cho măng. Hai thứ này hỗ trợ cho nhau và mình lại có thu nhập”, anh Cường giải thích về ý tưởng của mình.
Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Cường mang “Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ” đi thi và giành giải ba. Giải thưởng này giúp anh tự tin hơn trong con đường khởi nghiệp bằng nông nghiệp trên chính quê hương mình.
Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hành cần phải có nguồn vốn lớn. Một mình sẽ không xoay nổi vì vậy anh Cường quyết định kêu gọi bạn bè cùng chí hướng tham gia.
Rác thải mà anh Cường thu gom ở các quán ăn, nhà hàng là vỏ trứng, vỏ rau củ... |
Nghe ý tưởng, nhóm bạn của anh Cường gồm 20 người, cùng ở huyện Sơn Tịnh, nhanh chóng đồng ý tham gia. Họ quyết định thành lập hợp tác xã chăn nuôi thỏ rồi phân nhau mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Người phụ trách sản xuất, người phụ trách makerting, người làm kế toán... cùng nhau nuôi ước mơ thay đổi nền kinh tế quê hương.
Khi bắt tay vào làm, anh Cường nhận ra một điều, cây măng tây rất kỵ thuốc bảo vệ thực vật. Người trồng chỉ cần phun thuốc trừ cỏ ở xung quanh bờ mương, gió thổi bụi thuốc bay vào vườn là có thể khiến cây chết như ngả rạ. Vì vậy ngoài sử dụng phân thỏ, anh còn tự tạo ra phân bón cho cây.
Nhiều lần đến các nhà hàng, quán ăn… anh Cường thấy họ gom vỏ trứng, vỏ củ quả mang đi vứt, anh nảy ra ý định tận dụng loại rác này để tạo thành phân, bón cho cây vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.
Vườn măng tây của anh Cường. |
“Cái khó của chúng tôi là làm sao để mọi người phân loại rác nào dùng được, rác nào không”, anh Cường băn khoăn. Sau đó, anh nảy ra ý tưởng đổi rác lấy rau.
“Họ cho tôi rác, tôi sẽ cho họ măng tây, thịt thỏ... Mình phải cho họ thấy, họ được lợi nhuận gì khi phân loại rác thì mới hiệu quả”, anh Cường chia sẻ. Dần dần, những nơi có rác cũng “bắt tay” với người đàn ông sinh năm 1989.
'Đứng dậy' sau cơn bão
Anh Cường dùng chuối, mắt trái dứa, sữa chua, mật rỉ đường (chất thay thế đường)... để sản xuất men vi sinh giúp nhanh chóng phân hủy rác. Sau đó, anh mang đến gặp các bên cho rác, nhờ họ tưới lên bịch rác đã gom.
“Những người cho rác còn làm giúp các công đoạn gom và ủ rác. Chúng tôi chỉ đến lấy bịch rác đóng kín về, chờ cho hoai rồi mang đi bón cây", anh Cường chia sẻ.
Nhờ quy trình đó, hiện nay, nhóm của anh Cường trồng được vườn măng tây, hành tím, ớt… rộng hơn 5.000m2. Riêng vườn măng tây có diện tích 3.000m2. Các loại cây này được bón phân sản xuất từ rác thải nên xanh tốt, cho năng suất cao.
Sau khi gom rác về, anh Cường dùng men vi sinh ủ hoai rồi bón cho cây. |
Ngoài trồng cây, anh Cường còn làm chuồng nuôi hơn 1.000 con thỏ lấy thịt. Hiện, mỗi tháng anh Thu được 1 tấn măng tây, 4 tấn thịt thỏ sống... Các mặt hàng này khi thu hoạch sẽ cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Năm 2020, việc làm ăn đi vào quy củ, anh Cường quyết định nghỉ hẳn việc ở ủy ban xã để tập trung phát triển hợp tác xã của mình. Trở về làm nông dân, lúc nào anh cũng phải quay cuồng với công việc.
Lúc thì ra vườn làm việc, khi thì đi nghiên cứu, tìm kiếm thị trường... tuy nhiên người đàn ông ấy luôn thấy hạnh phúc vì quyết định của mình.
Hiện nay, Cường đang nuôi 1.000 con thỏ, mỗi tháng thu được 4 tấn thịt thỏ tươi. |
Tháng 10/2020, cơn bão số 9 ập vào tỉnh Quảng Ngãi, gây thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng cho người dân tỉnh này.
“Trước khi có bão, trời nắng rất đẹp, vườn cây sắp thu hoạch của tôi xanh non. Bão đến, toàn bộ vườn cây bị quật ngã. Tôi bị thiệt hại gần 400 triệu đồng”, anh Cường rầu rĩ nhớ lại.
Sau bão, anh Cường phải làm đất, trồng lại cây. May mắn, anh vẫn còn chuồng thỏ an toàn nên bù vào chi phí trồng cây. "Tôi lấy tiền lời bán thịt thỏ làm chi phí trồng cây. Vì vậy, tôi nhanh chóng khôi phục được thiệt hại sau bão", anh Cường vui vẻ chia sẻ.
Anh cho biết, việc nhanh chóng vực dậy sau bão là do khi lên ý tưởng làm kinh tế bằng nông nghiệp, anh đã xác định vừa trồng cây vừa chăn nuôi cùng lúc (nuôi thỏ, trồng măng). Anh tận dụng các nguyên liệu sẵn có để làm nên vừa tiết kiệm vừa không phải mất quá nhiều vốn.
“Khí hậu Quảng Ngãi khắc nghiệt, mưa bão liên miên, đất đai cằn cỗi nên những ngày đầu mới làm, tôi cũng khá lo lắng. Nhiều đêm tôi cứ thao thức, không ngủ được vì sợ cây bị côn trùng, sâu bệnh gây hại; thỏ có thể bị bệnh... Bây giờ, tôi cũng lo nhưng quen và có một chút kinh nghiệm rồi”, người đàn ông quê Quảng Ngãi nói.
Xem thêm video: Chàng trai chăn bò Bình Định: Sự nổi tiếng giúp tôi có thu nhập bất ngờ
Tú Anh
Ảnh: NVCC
9X Đắk Lắk trồng vườn hoa hơn 2.000m2
Có niềm đam mê với các loại hoa từ lâu vì vậy năm 2014, anh Thanh quyết định nghỉ công việc ở phòng y tế huyện để về làm nông dân.