Nông dân Việt đấu với nông dân các cường quốc

Tại Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do vừa diễn ra cuối tháng 6, các chuyên gia trong ngành nhận định, tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ là cơ hội để mở rộng thị trường cho nông sản Việt, song cũng có nhiều thách thức và rủi ro.

Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện tỉnh Đồng Tháp thừa nhận xu thế hội nhập thế giới “sâu và rộng” đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Qua đó, có thể tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư nước ngoài, tiếp thu các nền tảng khoa học - công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

{keywords}
Các chuyên gia cho rằng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ

Các hiệp định thương mại tự do song phương lẫn đa phương được ký kết thời gian qua là tiền đề quan trọng, giúp sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp vươn ra biển lớn, cạnh tranh cùng các nước nếu tận dụng tốt cơ hội này.

Song, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp còn hạn chế. Trong khi đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ được quan tâm nhưng tính chặt chẽ chưa cao. Đặc biệt, sản xuất của nông dân còn mang tính tự phát, chất lượng sản phẩm hạn chế so với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics còn kém, cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế nên việc huy động vốn đầu tư, nhất là khu vực FDI còn nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cần Thơ cũng lo ngại, thách thức lớn nhất khi tham gia các hiệp định thương mại là nền nông nghiệp ở nước ta còn dựa trên nông hộ là chủ yếu, với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và phân tán, năng lực sản xuất còn hạn chế, sức cạnh tranh thấp, không đảm bảo nguồn cung với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta còn phải chịu áp lực cạnh tranh từ hàng hoá nhập khẩu tại thị trường nội địa, từ các hàng rào phi thuê quan của các nước nhập khẩu...

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng chúng ta phải nhận diện rõ đâu là cơ hội.

Ông cho biết, tổng GDP của 2 thị trường CPTPP và EVFTA chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, thị trường có dân số tới gần 1 tỷ người. Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam.

“Khi mở cửa, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi kể cả có những điều kiện mà chưa bằng các nước bạn”. Bộ trưởng dẫn chứng, ở những quốc gia như Canada, Úc, New Zealand,... có tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa rất tốt. Chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng".

Bộ trưởng Cường cũng thừa nhân, khi tham gia các hiệp định, ngành nông nghiệp có rất nhiều vấn đề đáng lo lắng. Chẳng hạn, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, có tới 8,6 triệu hộ, 10 triệu ha đất canh tác mà phải đi cạnh tranh với những cường quốc có tài nguyên đất rộng mênh mông, sản xuất nông sản hàng hoá theo quy mô trang trại lớn, trình độ canh tác ở mức cao, chất lượng sản phẩm đồng đều ở mức cao và đặc biệt có khả năng cung cấp nguồn hàng lớn.

{keywords}
Bộ trưởng Cường cho rằng vận động nông dân tham gia HTX, liên kết với doanh nghiệp sẽ nâng cao được tính cạnh tranh (ảnh sơ chế, đóng gói vải thiều trước khi xuất khẩu tại HTX Sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang)

Thêm vào đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thời gian hội nhập ngắn, phải cạnh tranh với những nước có bề dày kinh tế cũng là một trở ngại lớn mà nông nghiệp Việt Nam phải đối diện trong thời gian tới.

Vận động nông dân vào hợp tác xã, bắt tay doanh nghiệp

Để khắc phục được những điểm yếu trên, giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh được với nông sản của các nước lớn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp duy nhất buộc phải làm là vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã kiểu mới hay bắt tay liên kết cùng với các doanh nghiệp trong ngành làm hàng hoá ở quy mô lớn, theo chuỗi.

Thực tế hiện nay, có nhiều mô hình hợp tác xã đem lại thành công, nông dân tăng thu nhập khi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của họ đã xuất khẩu được sang những thị trường khó tính nhất thế giới.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cũng nhìn nhận, để người nông dân chủ động thích ứng với những thời cơ cũng như thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, các ngành chức năng cần tăng cường thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân. Nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, tuân thủ các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp trong sử dụng đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tập trung vào những nông dân có năng lực, có nguyện vọng gắn bó lâu dài với nông nghiệp để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Tạo cơ chế hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, huy động sự tham gia của hộ sản xuất và nông dân, tạo cơ chế đất đai, nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất và quản trị của lãnh đạo hợp tác xã, ông chia sẻ.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nền nông nghiệp nước ta chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Những mối liên kết còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn hạn chế. Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, chuỗi giá trị (doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân) có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nếu chúng ta không xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ khó cạnh tranh, đủ năng lực đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế.

Tâm An