Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các nhà tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay đã bắt đầu đánh giá cao tầm quan trọng của quản trị nhân sự thông qua việc đầu tư các giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhân sự với doanh nghiệp Việt Nam chỉ nằm ở mức tương đối.
Theo “Báo cáo áp dụng công nghệ quản trị nhân sự trong doanh nghiệp” VietnamWorks vừa phát hành, có tới 58% doanh nghiệp cho biết không có nhu cầu sử dụng công nghệ trong việc quản trị nhân sự.
Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng tập trung vào nguồn lực, việc áp dụng công nghệ trong quản lý nhân sự hiện nay chưa được đánh giá cao.
Các lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân sự. Nguồn: VietnamWorks |
Tuy nhiên, cũng có các doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đầu tư lớn cho việc ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân sự. Cụ thể, có tới 36% doanh nghiệp đồng ý đầu tư ngân sách lớn đến 500 triệu đồng để đưa công nghệ vào quản trị nhân sự.
Khảo sát của VietnamWorks cho thấy, các lĩnh vực đang ứng dụng nhiều công nghệ quản trị nhất là doanh nghiệp sản xuất với 21%; kỹ thuật công nghệ đứng thứ 2 với 10%; các doanh nghiệp CNTT có khoảng 7% đã áp dụng và ngành bán lẻ có khoảng 6%.
Trong đó, 85% sử dụng phần mềm quản trị của nước ngoài. Có 15% doanh nghiệp sử dụng phần mềm nội địa hoặc tự viết phần mềm bởi đội ngũ IT của doanh nghiệp.
Quá trình sử dụng cho thấy, các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm nội địa có mức độ hài lòng từ 5-9 điểm khi có giao diện dễ sử dụng, hệ thống hỗ trợ 24/7 khi gặp sự cố và đặc biệt là giá cả phải chăng.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp sử dụng phần mềm ngoại có mức độ hài lòng từ 7-10 điểm khi có các ưu điểm: Thời gian lắp đặt ứng dụng ngắn, hiệu suất của ứng dụng và giao diện dễ sử dụng.
Phần lớn doanh nghiệp trong cuộc khảo sát chỉ áp dụng công nghệ cho một hoặc vài phần của quy trình với những lý do khách quan như chưa có ngân sách cho việc quản lý toàn phần, lo sợ lộ thông tin do chưa đủ tin tưởng về bảo mật của công ty cung cấp phần mềm, do cần thời gian và công sức để làm quen công nghệ từng phần…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc sử dụng công nghệ mang lại các hiệu quả, khi có thể theo dõi tiến độ công việc, khen thưởng và quản lý toàn diện lực lượng lao động. Công nghệ còn giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động và quản lí, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt là thông qua những việc cải tiến quy trình, cải tiến sản phẩm dịch vụ và nâng cao năng suất lao động.
Xu hướng ứng dụng phần mềm đám mây trong quản trị nhân sự
Theo báo cáo của VietnamWorks, thay vì chi phí phần mềm đắt đỏ như cơ sở hạ tầng máy tính và bảo trì, doanh nghiệp có thể trả hàng tháng hoặc hàng năm cho dịch vụ phần mềm đám mây.
Xu hướng ứng dụng phần mềm đám trong quản trị nhân sự. Ảnh minh họa: fastwork |
Phần mềm quản lý nguồn nhân lực dựa trên đám mây, cung cấp chức năng nhân sự cụ thể như: Hệ thống trả lương hoặc hệ thống tuyển dụng... Nhưng lựa chọn phổ biến nhất hiện nay là hệ thống quản lý nhân sự dựa trên đám mây.
Một số lợi ích mà hệ thống này mang lại có thể kể đến: Giải pháp nhân sự hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian và ngân sách cho doanh nghiệp; giúp gia tăng sự gắn kết của nhân viên với công ty; tiện lợi khi có thể truy cập hệ thống 24/7 từ thiết bị di động; và có tính bảo mật cao.
Việc quản lý hiệu quả nguồn lực bằng công nghệ vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn đối với các nhà quản trị. Do đó, việc ứng dụng công nghệ, tin học hóa trong quản lý nhân sự, giúp nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực; hợp lý hóa quy trình và luồng công việc; quản lý nhân sự thông qua KPI hay ứng dụng công nghệ trong đào tạo nhân sự được xem là các giải pháp hữu hiệu.
Duy Vũ
Bưu cục số chỉ có một nhân sự
Mô hình bưu cục số - chỉ với 1 Trưởng bưu cục được trang bị các công cụ công nghệ số để phục vụ khách hàng, được Viettel Post bắt đầu triển khai từ tháng 2/2021. Đến nay, trên cả nước đã có gần 600 bưu cục số.