Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), sau 10 tháng vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (từ 6/11/2021 đến hết ngày 15/8/2022) đã chở được hơn 5 triệu hành khách.
Vào thời điểm bắt đầu vận hành, người dân xếp hàng dài chờ được đi trải nghiệm tàu. Cá biệt trong ngày 7/11/2021, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chở 54.121 lượt hành khách.
Thống kê của Hanoi Metro, trong 15 ngày đưa vào vận hành miễn phí, (6/11- 20/11/2021) tàu đã chở 350.000 lượt hành khách. Ngày thường có lượng khách đi lại từ 16.000-20.000 lượt, còn với ngày cuối tuần thì từ 25.000-54.000 khách/ngày.
Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng vận hành, mỗi ngày tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ vận chuyển bình quân gần 15.000 hành khách. Do lượng khách có nhu cầu tham quan, trải nghiệm giảm mạnh, lượng khách sử dụng thực tế chỉ tăng 10%.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hà Nội, nhiều chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông phải chạy "rỗng".
Từ tháng 4/2022 đến nay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đi tàu tăng trên 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội. Bình quân vận chuyển ngày thường chở 22.000 - 24.000 hành khách, cuối tuần từ 25.000 - 30.000 lượt hành khách.
Ghi nhận trong sáng 20/8, tại nhà Cát Linh, lượng khách đi tàu với mục đích tham quan, trải nghiệm chiếm đa số hành khách đi tàu.
Trên đoàn tàu, tất cả các ghế đều kín chỗ, đối tượng hành khách chủ yếu là người già, trẻ em và các bạn trẻ đi check-in.
Chị Thanh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, sau 10 tháng tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động, hôm nay chị mới có dịp đi trải nghiệm. Chị Tâm cho rằng, đi tàu khá sạch sẽ, tiện lợi, giá vé phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên.
Đây cũng là lần đầu tiên đi tàu Cát Linh - Hà Đông của hai mẹ con chị Trần Phương Anh (quận Lê Chân, Hải Phòng). Dù là lần đầu tiên đi tàu nhưng chị cho hay, mình không cảm thấy khó khăn vì hệ thống chỉ dẫn rõ ràng, nhân viên tại nhà ga hay trên tàu phục vụ khá tốt.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro, cần tăng cường mọi hướng tiếp cận đường sắt đô thị bằng cách tạo không gian đi bộ thông thoáng, tăng cường các điểm trông giữ xe quanh nhà ga. Trong đó, cần quan tâm nhiều hơn đến hành lang dành cho người khuyết tật, người già.
Qua khảo sát, Hanoi Metro cho biết, có 84% hành khách chọn đường sắt đô thị vì tránh được tắc đường, di chuyển nhanh, giảm ô nhiễm môi trường, hiện đại, an toàn, thuận tiện… Chỉ 16% lựa chọn đường sắt đô thị vì tuyến đường phù hợp hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.
“Để nâng cao hiệu quả tuyến đường sắt này cần phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách tiếp cận các nhà ga. Bởi thực tế hiện có tới 65% số người được hỏi bày tỏ lo ngại vì các nhà ga không gần nhà”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.