Top 10 Sao Khuê 2020 có tổng doanh thu 927 tỷ đồng
Ngày 16/5/2020, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2020 cho 112 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc.
Tuân thủ các quy định về phòng ngừa lây lan dịch bệnh, lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2020 lần đầu được thể hiện với hình thức mới trên sân khấu ảo 3D và được truyền hình trực tuyến trên kênh Youtube Sao Khuê, VINASA và các báo bảo trợ chương trình.
Theo Ban tổ chức, năm 2020, chương trình danh hiệu Sao Khuê nhận được 186 đề cử đến từ 102 doanh nghiệp, tăng 20% so với năm trước. Hội đồng Chung tuyển họp ngày 21/3 đã quyết định công nhận danh hiệu Sao Khuê 2020 cho 112 sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu, gồm 84 sản phẩm, giải pháp và 28 dịch vụ.
Đáng chú ý, theo thống kê, Top 10 danh hiệu Sao Khuê 2020 thuộc 10 doanh nghiệp có tổng doanh thu 81.651 tỉ đồng, tương đương 3,47 tỉ USD, tổng nhân lực là 72.548 người. Riêng doanh số của 10 sản phẩm, giải pháp đạt Sao Khuê 2020 là 927 tỷ đồng, tương đương gần 40 triệu USD. Cả 10 sản phẩm giải pháp đều ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nhiều nhất là trí tuệ nhân tạo.
Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ và nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực trao danh hiệu Sao Khuê 2020 cho VNPT Technology với “Bộ thiết bị Easy Mesh Accesss Point iGate EW12S và hệ thống quản lý Cloud Mesh Controller”. |
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Ban tổ chức Sao Khuê 2020, thông qua việc đánh giá danh hiệu, Ban tô chức nhận thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, khi có đến 80% các sản phẩm Sao Khuê 2020 đều phát triển và ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 như Trí tuệ Nhân tạo, Dữ liệu lớn, IoT, Blockchain…
“Chất lượng của các sản phẩm, giải pháp CNTT tham gia chương trình đã cao hơn trước rất nhiều. Nhiều sản phẩm, giải pháp, ứng dụng đã được đánh giá trong top đầu các ứng dụng về công nghệ mới xuất sắc của khu vực và thế giới”, ông Bình cho hay.
Thống kê của VINASA cũng cho thấy, qua 17 năm tổ chức, Danh hiệu Sao Khuê đã được chọn trao cho 841 lượt sản phẩm, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT xuất sắc. Qua đó, là bệ phóng hiệu quả cho các thương hiệu công nghệ Việt Nam, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Make in Việt Nam”, định hướng người sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên cả nước.
Hiện thực hóa chiến lược “Make in Việt Nam"
Đại diện Bộ TT&TT tham dự lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2020, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, thời điểm trao giải Sao Khuê 2020 ghi nhận hai dấu ấn đặc biệt của ngành TT&TT Việt Nam, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019 và những đóng góp to lớn trong công cuộc phòng chống dịch bệnh vào đầu năm 2020.
Cụ thể, năm 2019, ngành công nghiêp phần mềm và dịch vụ CNTT đạt doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng trưởng 9,5%, thu hút hơn 200.000 nhân lực số chất lượng cao đã khẳng định vai trò của doanh nghiệp CNTT trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số có tính cạnh tranh cao, khẳng định được vị trí tại thị trường trong nước và quốc tế.
Vào đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh đã tạo ra những thay đổi lớn trong thói quen truyền thống của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế xã hội. Chưa bao giờ nhu cầu sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng Internet bùng nổ mạnh mẽ như ở thời điểm này, với hàng triệu người sử dụng phần mềm học trực tuyến, làm việc từ xa, hàng ngàn doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh và hàng triệu đơn hàng mua sắm trực tuyến được thực hiện thành công.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp CNTT đã có những đóng góp to lớn bằng các sản phẩm công nghệ số để hỗ trợ phòng chống dịch; giúp cuộc sống, công việc của người dân, doanh nghiệp được duy trì trên môi trường số.
Dịch bệnh đã tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp CNTT nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh, định hình rõ hơn các sản phẩm xã hội đang cần; đồng thời cũng khẳng định với xã hội rằng sản phẩm và dịch vụ CNTT thực sự là một trong những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu phục vụ các nhu cầu cơ bản của người dân.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2020. |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị 05 ngày 2/2/2020 phát động chiến dịch cộng đồng công nghệ số Việt Nam phòng chống dịch bệnh để khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng, dành nguồn lực phát triển các giải pháp công nghệ, dịch vụ, sản phẩm mới nhằm đảm bảo cuộc sống được duy trì bình thường. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch bệnh.
Cũng vào đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp công nghệ số theo chiến lược “Make in Việt Nam” - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và giải quyết bài toán của Việt Nam.
Để hiện thực hóa chiến lược này, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Khát vọng về một Việt Nam hùng cường với thị trường gần 100 triệu dân và bài toán đặc thù của Việt Nam chính là tiền đề và động lực để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không ngừng lớn mạnh, vươn ra thế giới.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT đánh giá cao nỗ lực của VINASA và Ban tổ chức Sao Khuê 2020, dù phải triển khai trong giai đoạn khó khăn nhưng đã nhanh chóng chuyển đổi, áp dụng những hình thức mới, công nghệ hiện đại phù hợp với tình hình mà vẫn đảm bảo được hiệu quả chương trình.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng, việc đưa những tiêu chí công nghệ 4.0 và bổ sung hạng mục chuyển đổi số vào hệ thống giải thưởng đã kịp thời cổ vũ mạnh mẽ, định hướng doanh nghiệp và thị trường tham gia đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa chiến lược “Make in Việt Nam”, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng đánh giá: Chương trình danh hiệu Sao Khuê 2020 đã cho thấy sự quan tâm tham gia của cộng đồng doanh nghiệp CNTT với số lượng tham gia ngày càng đông đảo. 80% các sản phẩm được trao danh hiệu Sao Khuê 2020 được phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, Blockchain… đã cho thấy doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nắm bắt kịp thời xu hướng thế giới.
Các giải pháp, dịch vụ đạt danh hiệu Sao Khuê qua các năm đã được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như Chính phủ điện tử, giáo dục, giao thông vận tải, y tế, du lịch… Đây là những lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần phát triển nền kinh tế số theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Tôi tin tưởng những sản phẩm, giải pháp đạt danh hiệu Sao Khuê 2020 sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi trong các tổ chức, doanh nghiệp, giúp các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Bộ TT&TT cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bằng những chính sách cụ thể để cộng đồng CNTT duy trì sự phát triển, là lực lượng tiên phong cho một Việt Nam số, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành công nghiệp CNTT và kinh tế số Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.
Vân Anh