Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ban điều hành triển khai Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực ATANTT đến năm 2020” (Đề án 99) cho biết, năm 2016, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT, 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về an toàn thông tin. Một trong những nội dung hợp tác đã được các trường thống nhất là phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu chung, qua đó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế phục vụ cho các lĩnh vực khác nhau.
Triển khai biên bản hợp tác này, trong năm ngoái, hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 1 “Một số vấn đề chọn lọc về ATANTT” do Học viện Kỹ thuật Mật mã đăng cai tổ chức đã nhận được sự đánh giá cao của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, triển khai giảng dạy, các nhà quản lý trong lĩnh vực an toàn thông tin trên toàn quốc nói chung và của 8 cơ sở đào tạo trọng điểm thuộc Đề án 99 nói riêng.
Hội thảo là diễn đàn khoa học được tổ chức thường niên để các cơ sở những người tâm huyết, quan tâm về lĩnh vực an toàn thông tin có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và an toàn, an ninh thông tin nói riêng. Qua đó, khuyến khích các sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và những nhà khoa học trẻ tham gia trao đổi, báo cáo kết quả nghiên cứu và học tập của bản thân, đặc biệt những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Thực hiện chương trình công tác năm 2017 của Ban Điều hành triển khai Đề án 99, trong năm nay, Bộ TT&TT tiếp tục bảo trợ cho hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 2 “Một số vấn đề chọn lọc về ATANTT”. Hội thảo khoa học lần này do Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP.HCM đăng cai tổ chức vào các ngày 2 - 3/12 tại Hội trường E của trường.
Ban tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 2 “Một số vấn đề chọn lọc về ATANTT cho biết, đã có gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà báo trong lĩnh vực ATANTT gửi tham dự hội thảo. Các tham luận tập trung vào các lĩnh vực Mật mã ứng dụng, An toàn ứng dụng và An toàn an ninh mạng.
Được tổ chức thành 5 phiên liên tiếp, trong 2 ngày diễn ra hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 2 “Một số vấn đề chọn lọc về ATANTT”, các tác giả, nhóm tác giả sẽ trình bày các nghiên cứu về các nội dung như: Giải pháp nâng cao độ an toàn cho lược đồ chữ ký số; Xây dựng mô hình thu thập, phát hiện tấn công mạng sử dụng thiết bị IoT; Phương pháp phát hiện DGA Botnet dựa trên CNN và Bidirectional LSTM; IoT và vấn đề bảo mật đường truyền; Thay đổi khóa của cơ sở dữ liệu mã hóa trên môi trường thuê ngoài; Ứng dụng mô hình học sâu trong phát hiện tấn công dò quét mạng; Một cách tiếp cận để giảm chiều dữ liệu trong việc xây dựng các hệ thống phát hiện xâm nhập mạng hiệu quả; Giải pháp phòng chống tấn công từ chối dịch vụ cho mạng cảm biến không dây; Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát an ninh mạng sử dụng mã nguồn mở; Hệ thống phát hiện xâm nhập dựa vào dấu hiệu đặc trưng sử dụng đa luồng CPU; Ứng dụng kỹ thuật thực thi ký hiệu trong phân tích mã độc; Ứng dụng bộ phân loại một lớp trong hệ thống xác thực đa sinh trắc; Phát hiện nguy cơ gây thất thoát thông tin trên thiết bị Android bằng kỹ thuật phân tích động…
Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cũng cho biết, ngày 2/12/2017, trong khuôn khổ sự kiện, Cục phối hợp cùng Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội chợ việc làm và tọa đàm hướng nghiệp cho sinh viên ngành CNTT, An toàn thông tin với chủ đề “Ngày hội Sinh viên và Doanh nghiệp năm 2017” tại khuôn viên nhà trường; trao 4 suất học bổng khuyến học cho các em sinh viên ngành An toàn thông tin có thành tích học tập xuất sắc.
Theo kế hoạch, ngày 3/12/2017, trong buổi bế mạc hội thảo, Bộ TT&TT sẽ trao giải “Best paper” và trao cờ luân phiên cho đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 3 “Một số vấn đề chọn lọc về ATANTT” năm 2018. Với hội thảo khoa học này, Ban Điều hành triển khai Đề án 99 cũng kỳ vọng trở thành hội thảo quốc gia đầu tiên về ATANTT và trong tương lai gần có thể trở thành hội thảo tầm cỡ khu vực, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới.