Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội của nước ta nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc có sự khởi sắc mạnh mẽ.
UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Theo báo cáo, 8 tháng đầu năm, sản xuất lâm nghiệp tăng, diện tích rừng trồng mới tập trung của tỉnh đạt 604,2 ha, bằng 86,31% kế hoạch năm 2022 và tăng 10,08% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác đạt 29.326,7 m3, tăng 3,40%; sản lượng củi khai thác đạt 32.735 ste, giảm 10,02% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được chú trọng. Trong tháng, trên địa bàn không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Tình hình sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2022: IIP ước tính tăng 14,96% so với cùng kỳ. Trong các ngành cấp II, có 19/24 ngành có chỉ số sản xuất tăng, 5/24 ngành chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp trọng điểm duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 21,57%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 19,59%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,22%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 14,43%.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.061,62 tỷ đồng, tuy có mức tăng trưởng chậm (tăng 1,03%) nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch vượt trội hơn so với cùng kỳ năm là 41,62% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 38,61% kế hoạch).
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 44 dự án (16 dự án cấp mới, 28 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 280 triệu USD, bằng 28,27% so với cùng kỳ. Nguyên nhân số vốn FDI đăng ký giảm mạnh do cùng kỳ năm trước tổng vốn FDI đăng ký tăng đột biến ở 01 dự án lớn với tổng mức đầu tư lên tới 611 triệu USD, nâng tổng vốn thu hút được cùng kỳ năm 2021 lên 992 triệu USD. Vốn FDI đăng ký tăng mạnh ở các dự án điều chỉnh quy mô vốn hoạt động với 129,94 triệu USD, tăng 11,18% so với cùng kỳ cho thấy tỉnh Vĩnh Phúc đang giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài rất hiệu quả. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn đầu tư lớn nhất với 277 triệu USD, chiếm 98,75% tổng vốn FDI đăng ký.
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thích ứng, linh hoạt đưa ra các quyết sách để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Cùng với đó là sự trợ giúp đắc lực của tỉnh về việc cho phép công ty chậm nộp thuế, được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu. Các nhóm mạng xã hội của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích, nhanh chóng, tiện lợi. Nhiều thắc mắc của doanh nghiệp được giải đáp ngay qua những kênh này đã tạo điều kiện quan trọng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt kết quả khả quan, cao gấp 2,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 314 doanh nghiệp, tăng 10,56% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 1.212 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 152 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).
Tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thích ứng với bối cảnh mới. Tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách và những tồn tại yếu kém, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ theo Nghị định số 31 của Chính phủ và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi vay cho hơn 1.680 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm 45 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 3.370 tỷ đồng cho 572 khách hàng...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 41.904,3 tỷ đồng, tăng 18,27% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 37.555,6 tỷ đồng, tăng 18,40%, đóng góp 16,48 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 2.728,8 tỷ đồng, tăng 20,17%, đóng góp 1,29 điểm phần trăm. Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng đạt 1.619,9 tỷ đồng, tăng 12,30%, đóng góp 0,50 điểm phần trăm vào mức tăng chung so với cùng kỳ.
Hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp để kịp thời giải quyết; làm tốt công tác nắm tình hình. Nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Tăng cường triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Giai đoạn tới, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.
Quỳnh Nga