Nhiều cuộc khảo sát đều kết luận rằng trẻ em Hà Lan là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới. Vậy những nhân tố nào góp phần tạo nên điều này?
Theo một khảo sát gần đây của Unicef Đức, trẻ em Hà Lan được xếp hạng là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới với điểm cao nhất ở 3 trên 5 tiêu chí đánh giá bao gồm: môi trường, giáo dục và hành vi.
Trẻ em Hà Lan là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới. |
Unicef Đức không phải là tổ chức đầu tiên đưa ra kết luận này. Nghiên cứu được công bố bởi tổ chức hành động vì trẻ em nghèo ở Anh, tổ chức y tế thế giới, Unicef quốc tế cũng đều đưa nhận định tương tự.
Vậy chính xác những nhân tố nào giúp trẻ em Hà Lan trở thành những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới? Dưới đây là 8 yếu tố góp phần tạo nên điều đó.
1. Bố mẹ của chúng là những người hạnh phúc nhất thế giới
Đây hoàn toàn không phải là một điều ngạc nhiên khi những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới được sinh ra bởi những ông bố bà mẹ hạnh phúc nhất thế giới. Theo báo cáo mới đây của Liên Hiêp Quốc, Hà Lan xếp hạng 4 trong những nước hạnh phúc nhất thế giới. Hạnh phúc được coi như một chỉ số của tiến bộ xã hội. Không có gì nghi ngờ khi bố mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dưỡng con cái hạnh phúc.
2. Những bà mẹ Hà Lan luôn cảm thấy hạnh phúc
Nhà tâm lý học – nhà báo Ellen de Bruin đã viết một quyển sách có tự đề “Phụ nữ Hà Lan không bao giờ căng thẳng” để trả lời cho nhận định này. Theo Ellen “Lựa chọn cá nhân chính là chìa khóa, ở Hà Lan mọi người được tự do lựa chọn bạn đời, tôn giáo, giới tính, thậm chí họ còn được tự do sử dụng một số chất gây nghiện dạng nhẹ, chúng ta có thể thoái mái nói về mọi điều mình muốn. Hà Lan thực sự là một đất nước tự do”.
Không giống như phần còn lại của thế giới các yếu tố quyến rũ, thân thiện, thanh lịch không được xếp hạng cao trong ưu tiên của phụ nữ Hà Lan. Ellen khái quát một vài đăc điểm của phụ nữa Hà Lan, như họ không chú trọng việc ăn mặc (có thể vì họ chọn sự tiện lợi khi phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp) sẽ khiến mọi người ngạc nhiên khi xuất hiện không như mong đợi vào bữa tối và họ khá ít nói về chồng mình.
Có lẽ nhân tố quan trọng nhất khiến phụ nữ Hà Lan luôn hạnh phúc là họ biết cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Các bà mẹ Hà Lan đóng góp tỷ lệ lớn nhất vào cộng động làm việc bán thời gian ở những nước phát triển, với 68% phụ nữ Hà Lan làm việc trung bình 25 giờ mỗi tuần.
Theo nhà báo Lisa Belkin của tờ Huffington Post: phần lớn phụ nữ coi làm việc bán thời gian là cách để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Theo Belkin, một cuộc nghiên cứu ở Mỹ với 2127 phụ nữ ở nhà có con dưới 18 tuổi đưa ra kết quả 68% nói sẽ làm việc bán thời gian, chỉ 9% sẽ làm việc toàn thời gian và 27% sẽ ở nhà.
3. Những ông bố Hà Lan đóng nhiều vai trò hơn trong việc nuôi dưỡng con cái bằng cách làm việc bán thời gian
Một bài báo trên tờ New York Times tựa đề “Làm việc bán thời gian trong thế kỷ 21” đưa ra văn hóa làm việc bán thời gian ở Hà Lan như một điển hình. Từ năm 1996, chính phủ Hà Lan đã đưa ra chính sách đảm bảo quyền lợi ngang bằng cho những người làm việc bán thời gian tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống ở các thành phố cân bằng cuộc sống gia đình và công việc.
Giống như phụ nữ, ngày càng nhiều ông bố Hà Lan cố gắng hoàn thành công việc toàn thời gian 4 ngày/tuần và dành 1 ngày mỗi tuần cho các con. Cụm từ “Papa dag” (Ngày với bố) không chỉ là một từ vựng trong tiếng Hà Lan, nó ngày càng trở thành tiêu chuẩn phổ biến khi một phần ba họ lựa chọn công việc bán thời gian. Những ông bố Hà Lan rất quan tâm đến việc nuôi dạy con cái và muốn cân bằng vai trò của cha-mẹ trong việc này.
Những ông bố Hà Lan sẵn sàng tham gia vào việc chăm con. |
4. Trẻ em Hà Lan không bị áp lực đạt điểm cao ở trường và có rất ít căng thẳng
Trường tiểu học ở Hà Lan cho trẻ dưới 10 tuổi không có bài tập về nhà và trẻ đơn giản là được khuyến khích để cảm thấy hứng thú với việc học. Sau khi hoàn thành tiểu học ở độ tuổi 12, học sinh Hà Lan sẽ tham gia một bài kiểm tra để đánh giá năng lực học tập và các yếu tố khác làm căn cứ để lựa chọn trường cấp 3 chúng muốn.
Cũng như thế, học sinh cấp 3 ở Hà Lan không phải đối mặt với những áp lực căng thẳng tham gia các kỳ thi hay đạt điểm số cao ở các môn. Do đó, về cơ bản sẽ không có quá trình xét duyệt hồ sơ mang tính cạnh tranh cao ở các trường đại học.
Thái độ thoái mái và thư giãn với trường học của trẻ em Hà Lan hoàn toàn đối lập với tôi. Tôi vẫn có thể cảm thấy những áp lực bên trong và bên ngoài về việc vào “đúng trường đại học” ngay từ giây phút bước chân vào trường trung học. Giờ đây con tôi đến trường đơn giản chỉ để học mà không cần phải chú tâm đến kết quả học tập.
5. Trẻ ăn sáng thường xuyên với gia đình
Tôi đã thực sự ngạc nhiên khi Liên Hiệp Quốc đánh giá trẻ em Hà Lan có bữa sáng lành mạnh. Một bữa sáng truyền thống kiểu Hà Lan, kể với trẻ con hay người lớn, thực tế thường bao gồm một lát bánh mỳ trắng với bơ và sô-cô-la vụn. Bữa trưa của họ thường là vài lát bánh mỳ với bơ hoặc vài lát giăm bông mỏng dính có vẻ không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe.
Một bữa sáng điển hình kiểu Hà Lan. |
Trong một báo cáo của Unicef, trẻ em và thiếu niên Hà Lan thường ăn sáng với gia đình. Không ở đâu trẻ em ăn sáng với gia đình thường xuyên như Hà Lan. Ăn sáng không chỉ giúp trẻ hoạt động tốt hơn ở trường và giảm các các vấn đề hành vi mà còn tăng mối liên kết gia đình và tạo điều khiện nuôi dưỡng nhân cách tốt.
6. Trẻ con có quyền thể hiện ý kiến cá nhân
Kể từ khi có thể biểu đạt ý kiến, trẻ em Hà Lan có quyền lên tiếng và cha mẹ sẽ lắng nghe chúng.
7. Trẻ con Hà Lan thường xuyên chơi với ông, bà
Nếu bạn đến sân chơi vào ngày cuối tuần, bạn sẽ có cơ hội thấy các Oma (ông, bà) đang chơi với cháu. Rất nhiều ông, bà ở Hà Lan trông cháu giúp con cái và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của những đứa trẻ. Thông thường, họ sẽ dành một ngày trong tuần cho các cháu và nhờ thế cha mẹ có cơ hội tốt hơn để cân bằng giữa gia đình và công việc. Ngoài ra, sống cùng ông bà cũng rất tốt cho trẻ bị tự kỷ.
8. Chính phủ Hà Lan có chương trình trợ cấp hàng tháng cho các gia đình
Chúng ta đều biết rằng nuôi con rất tốn kém. Mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn, các gia đinh Hà Lan vẫn nhận được trợ cấp từ chính phủ. Cụ thể, các bậc cha mẹ sẽ nhận được tiền hỗ trợ nuôi con, tiền lương nuôi con (khoản thu nhập độc lập với tiền hỗ trợ nuôi con), các gói giảm giá (chương trình hỗ trợ tài chính kết hợp giữa đi làm và chăm sóc con cái) và tiền hỗ trợ chăm con.
(Theo Trí Thức Trẻ)