60% còn lại có tâm tư hay không? Có muốn phấn đấu tốt để được vào biên chế hay không?...
Đọc bài viết "Chuyện ở trường phổ thông có 60% giáo viên là hợp đồng", tôi có 8 băn khoăn xin được chia sẻ.
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa |
1. Mô hình trường công lập tự chủ tài chính toàn phần thật ra là trường công lập hay tư thục? Tôi hiểu, để tự chủ tài chính một phần hay toàn phần thì nguồn thu chủ yếu là học phí do người học đóng. Học phí ở các trường công lập tự chủ này chắc chắn sẽ sao hơn hẳn so với học phí của các trường công lập được cấp 100% kinh phí để hoạt động. Vậy nếu gọi trường phổ thông hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính là trường công lập có ổn không?
2. Đánh giá giáo viên tại Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa – Hà Nội gồm 25 tiêu chí. Vậy đánh giá công chức, viên chức (theo quy định của Bộ Nội vụ) và đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp trường có đánh giá không? Nếu có, thực hiện như thế nào? Nếu không thì vì sao?
3. Mỗi năm hai lần, trường lấy ý kiến học sinh, phụ huynh về tất cả hoạt động giáo dục liên quan đến giáo viên, cán bộ, nhân viên kể cả hiệu trưởng. Muốn đánh giá chính xác và trung thực thì nhà trường đã chia sẻ thông tin về các hoạt động giáo dục của đơn vị đến phụ huynh, học sinh như thế nào?
4. Trả lương theo năng lực giáo viên, nhân viên nhưng ai đánh giá, thẩm định? Cơ sở để đánh giá năng lực dựa vào đâu? Quy trình thực hiện ra sao? Và nếu có thể, xin nhà trường thông tin mức thu học phí hàng tháng là bao nhiêu? Mức lương bình quân của giáo viên, ban giám hiệu là bao nhiêu?
5. 60% giáo viên tại trường THPT Phan Huy Chú làm việc theo chế độ hợp đồng. Quyết định số lượng giáo viên cần thiết để hợp đồng thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng hay vẫn căn cứ vào biên chế mà Sở GD-ĐT Hà Nội giao cho đơn vị hàng năm? Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho 60% giáo viên này thực hiện hàng năm như thế nào? Hội đồng trường có thành lập hay không? Nếu có xin giới thiệu cách thức hoạt động (của Hội đồng trường) trong điều kiện trường tự chủ tài chính toàn phần?
6. Qua bài viết, tôi được biết có những giáo viên hợp đồng tới 15 – 20 năm “vẫn miệt mài làm việc, miệt mài đổi mới sáng tạo...”. Vậy lãnh đạo nhà trường đã có những biện pháp gì để ghi nhận, động viên, ngợi khen những đóng góp của số giáo viên ấy? Lẽ thường, làm tốt ai cũng mong muốn được khen và được thăng tiến trong nghề nghiệp. Không lẽ mãi làm "tốt" và sẵn sàng chấp nhận ngày hai buổi đến trường với... hợp đồng làm việc? Hợp đồng số giáo viên này là hợp đồng có thời hạn hay không thời hạn?
7. 40% biên chế trong trường THPT Phan Huy Chú thuộc về ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, đội ngũ giáo viên cốt cán.... Có thể thấy số này khá an toàn và được bảo toàn trong quá trình thực thi hoạt động quản lý, giảng dạy (tựa như định luật Bảo toàn năng lượng). Đây là một lợi thế rất lớn, họ yên tâm để làm việc, cống hiến, hưởng thụ. 60% còn lại có tâm tư hay không? Có muốn phấn đấu tốt để được vào biên chế hay không khi mà việc vào biên chế đồng nghĩa với việc có thể sẽ được đứng vào hàng ngũ giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu?
8. Trường công lập, giáo viên là viên chức vì thế quản lý phải tuân theo Luật viên chức. Vậy với nhà giáo làm việc tại trường trước ngày 01/7/2003; từ 01/7/2003 đến 01/01/2012 và từ sau 01/01/2012 hợp đồng làm việc được trường THPT Phan Huy Chú thực hiện như thế nào?
Mấy băn khoăn xin được gửi đến báo Vietnamnet và Trường THPT Phan Huy Chú, mong nhận được hồi đáp.
- Nguyễn Hoàng Chương (Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng)