Báo cáo từ UBND tỉnh Long An cho biết toàn tỉnh hiện có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75,2% số xã toàn tỉnh), đạt 85,2% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 52,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến đến hết năm 2023, Long An sẽ có 127/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn tỉnh chưa có xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã.
Toàn tỉnh đã có 128/161 xã (chiếm 79,5%) đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có 72/161 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 4/13 huyện (chiếm 30,8%) đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới.
Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 591 trường học các cấp 19, trong đó 309 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 52,28%...
Toàn tỉnh đã có 136/161 xã (chiếm 84,5%) đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn.
Cùng với sự đóng góp của người dân, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Trên 60% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cảnh quan và môi trường nông thôn của Long An cũng đang xảy ra một số vấn đề như: thiếu mảng xanh cho khu vực nông thôn do tình trạng bê tông hoá; ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chất thải sinh hoạt của người dân...