Sáng 12/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế với nội dung xoay quanh chủ đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TT&TT. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 40 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.

Hội nghị được tổ chức nhằm thiết lập một diễn đàn chung cho đại diện các nước thành viên ASEAN. Đây là nơi mà cơ quan hữu trách các nước ASEAN có thể ngồi lại và chia sẻ với nhau về các hiện trạng, để rồi từ đó đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ICT.

{keywords}
Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực ICT cho các nước ASEAN khai mạc sáng 12/11 tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Hoạt động này là một phần trong khuôn khổ dự án hợp tác ASEAN nhằm tăng cường nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu nguồn nhân lực ICT trong khu vực, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa các nước thành viên ASEAN. 

7,5 triệu người sẽ chuyển đổi việc làm do sức ép của CMCN 4.0

Theo báo cáo mới nhất của Viện Chiến lược TT&TT, người lao động tại các quốc gia thuộc khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do sự phát triển nóng của CMCN 4.0. Dễ bị tổn thươnng nhất là nhóm lao động giản đơn có kỹ năng thấp. 

Là khu vực nổi tiếng với nguồn lao động giá rẻ khổng lồ, tuy nhiên có một thực tế là người lao động các nước ASEAN rất dễ bị thay thế bởi sự phổ biến của robot tự động hoá. Trong số này có tới hơn 60% số người lao động tại các quốc gia như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

{keywords}
Tỷ lệ người lao động tại các nước ASEAN gặp rủi ro khi công việc của họ dễ bị thay đổi do số hoá. 

Riêng tại Việt Nam, những dự đoán của Cisco & Oxford Economics đã chỉ ra rằng vào năm 2028, khoảng 7,5 triệu người, tương đương 14% lượng lao động sẽ phải dịch chuyển công việc của mình để nhường chỗ cho máy móc. 

Lượng người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch này chỉ ít hơn Indonesia (9,5 triệu người) - quốc gia đông dân nhất khu vực ASEAN. Không chỉ có Việt Nam và Indonesia, đây cũng là vấn đề chung của các quốc gia khác khu Thái Lan cũng sẽ đối mặt với nguy cơ mất 4,9 triệu việc làm, với Malaysia con số này là 4,2 triệu. 

{keywords}
Tác động tích cực (xanh lá cây) và tiêu cực (xanh dương) của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đối với sự thay đổi số lượng việc làm tại 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN (ASEAN 6). 

Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhu cầu chung của tất cả các nước thành viên ASEAN. Tuy vậy, đây cũng không phải là điều dễ dàng khi mà sự thay đổi liên tục của công nghệ khiến các chuyên gia khó đưa ra được những dự báo chính xác về nhu cầu của thị trường lao động. 

Không chỉ mang đến những tác động tiêu cực, CMCN 4.0 cũng góp phần tạo ra các việc làm mới khi mà nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành có liên quan đang không ngừng ra tăng. Không những vậy, bên cạnh việc một số ngành nghề có thể mất đi, sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ mang tới những nghề nghiệp mới. 

Thực tế cho thấy, quá trình phát triển để hội nhập quốc tế đòi hỏi tất cả các quốc gia phải liên tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực trong ASEAN hay giữa ASEAN và các quốc gia khác đang không ngừng gia tăng. 

{keywords}
Các nước ASEAN cần tìm ra được một tiếng nói chung trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn lao động trước sức ép từ sự phát triển nóng của cuộc CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Đạt

Nhân lực ICT đóng vai trò quyết định trong CMCN 4.0

Theo đánh giá của các chuyên gia có mặt tại hội thảo, ICT chính là hạt nhân của Công nghiệp 4.0. Nhân sự trong ngành ICT đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực ICT mà còn trong cả quá trình chuyển đổi số của các lĩnh vực khác. 

Thống kê của Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy, 75% giá trị gia tăng của các công ty Internet lại đến từ các mảng thị trường truyền thống. Trong khi đó, 55% lượng nhân sự về ICT lại đang làm việc ở những lĩnh vực không phải ICT. 

Đối với nhận thức về nguồn nhân lực ICT, 90% công dân ASEAN được khảo sát đồng ý rằng nguồn nhân lực ICT đang trở nên ngày càng quan trọng. Hầu hết các quốc gia ASEAN đều sở hữu những lợi thế nhất định trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT. 

Tuy vậy, rào cản chung mà các quốc gia này phải đối mặt là việc thiếu đội ngũ chuyên gia lành nghề, sự hiểu biết về lĩnh vực IT nói chung của người dân ở mức thấp, ngoại trừ khu vực các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển các tài năng trong lĩnh vực ICT. 

{keywords}
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ để tìm hướng phát triển chất lượng nguồn nhân lực ICT tại các quốc gia ASEAN. Ảnh: Trọng Đạt

Để có thể tăng cường chất lượng nguồn nhân lực ICT tại các quốc gia ASEAN, hơn lúc nào hết, việc đầu tiên cần làm là phải đánh giá đúng được hiện trạng của nguồn nhân lực ICT trong khu vực. Trong đó bao gồm cả cơ sở hạ tầng hỗ trợ nguồn nhân lực, chính sách, năng lực tài chính, văn hoá, giáo dục hay kỹ năng của người lao động. 

Tiếp đến, cần phân tích từ những thông tin đã thu thập được để xác định nhu cầu thị trường và đưa ra hướng dẫn thực tiễn để phát triển nguồn nhân lực ICT. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng cần tổ chức những nghiên cứu tổng quan về nguồn nhân lực ICT, bao gồm cả chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực, để rồi từ đó chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm thực tiễn. 

Cách tốt nhất để phát triển chất lượng nguồn nhân lực ICT vẫn nằm ở khía cạnh chính sách, đặc biệt là trong việc đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho người lao động. Song song với đó, các nước cũng cần phải có các bước đi cụ thể, đặc biệt là trong việc ngồi lại với nhau nhằm tìm ra bước đi chung nhằm phát triển nguồn lao động ICT tại khu vực ASEAN. 

Trọng Đạt