Tại phiên chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay, ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) hỏi Bộ trưởng việc chỉ đạo triển khai dịch vụ công trực tuyến, việc khai thác, chia sẻ, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc gia hiện nay được triển khai như thế nào và có khó khăn gì không?
ĐB cũng đề cập việc chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, trọng tâm là Chính phủ điện tử thực hiện vào quản lý, điều hành và giải quyết công việc của người dân và DN hiện nay như thế nào? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?
ĐB Hà Thị Minh Tâm. Ảnh Minh Đạt |
Liên quan đến vấn đề chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi chúng ta phát triển dịch vụ công trực tuyến, nhiều năm qua, có màu sắc của việc "trăm hoa đua nở".
Cho tới giờ, việc này đã mắc phải điểm nghẽn về nền tảng. Chúng ta phải giải quyết nền tảng để thúc đẩy tốc độ của dịch vụ công trực tuyến.
Trong đó, có 1 nội dung quan trọng là kết nối địa phương với các bộ, ngành, chia sẻ dữ liệu. Hiện nay Bộ TT&TT đã hoàn tất trục kết nối với cơ sở dữ liệu phong phú, ví như về DN, tư pháp, lý lịch, BHXH… đã được kết nối.
Điều thứ hai phải làm là đặt ra những cơ sở pháp lý cho nội dung này. Trong năm 2019, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Nghị định sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu.
Về Chính phủ điện tử và thành phố thông minh, theo Bộ trưởng, hiện nay, Thủ tướng đã có đề án, trong đó có nội dung đề cập đến vấn đề trong giai đoạn đầu, chúng ta sẽ triển khai thí điểm.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Đạt |
Vì vậy, trong tháng 11, Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn về thí điểm, trực tiếp làm việc tại một số TP để làm mẫu. Dự kiến đến giữa năm 2020, chúng ta sẽ có thể phát triển trên diện rộng.
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nêu, những cơ sở dữ liệu dùng chung trong quốc gia như lĩnh vực đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký DN và một số lĩnh vực khác trong báo cáo nêu triển khai còn quá chậm.
Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá nào để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng thông tin, chúng ta đang có 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia. Trong đó 3 cơ sở dữ liệu tương đối ổn, còn 2 cơ sở dữ liệu bị chậm gồm cơ sở dữ liệu dân cư và đất đai.
Trong tháng 10, ông cùng Bộ trưởng NN&PTN làm việc với Thứ trưởng Công an phụ trách về dự án dân cư để bàn bạc và tìm ra giải pháp, cách thực hiện.
Hiện nay dự án đó đã được phê duyệt, đưa vào dự án đầu tư công trung hạn và cũng bắt đầu có tiền ngân sách, Bộ Công an cũng đã triển khai.
“Hiện nay, 75 triệu dữ liệu của người dân đã được quét đưa lên mạng, đưa vào trong hệ thống. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ tích cực, chúng tôi cũng đặt ra một mục tiêu là cố gắng năm 2020 dự án về cơ sở dữ liệu dân cư này sẽ cơ bản hoàn chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về dữ liệu đất đai, ông cũng đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng TN&MT để tìm giải pháp.
Kết nối các cơ sở dữ liệu
Cùng mối quan tâm về xây dựng các dữ liệu quốc gia còn chậm, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn câu chuyện được báo chí phản ánh: Có trường hợp 1 thanh niên lấy vợ 10 năm nhưng vẫn phải đi xác nhận từng là người độc thân để bán mảnh đất mà mình sở hữu từ khi còn chưa lấy vợ.
ĐB Mai Thị Phương Hoa |
Việc này gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân và DN. Thậm chí, có nhiều trường hợp đã bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu và tạo ra tham nhũng vặt.
Bà muốn hỏi rõ trách nhiệm của Bộ TT&TT trong vấn đề này, giải pháp khắc phục triệt để những bất cập nêu trên?
Nhắc lại việc ta có 5 cơ sở dữ liệu dùng chung, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các quốc gia có 2 lựa chọn: Một là tập trung tất cả các cơ sở dữ liệu vào một chỗ, hai là phân tán. Giải pháp nào thì cũng đều có mặt mạnh và mặt yếu.
Chúng ta chọn giải pháp phân tán, nhưng phân tán thì vẫn phải kết nối được.
Hiện nay, Bộ TT&TT là cơ quan phải ra tiêu chuẩn để cho các cơ sở dữ liệu ấy có thể kết nối được với nhau, các tỉnh có thể truy cập vào để lấy dữ liệu về được, các bộ cũng có thể truy cập vào địa phương để lấy dữ liệu được và liên bộ với nhau cũng có thể kết nối.
Theo Bộ trưởng, về mặt hành lang pháp lý còn nợ một nghị định kết nối, chia sẻ. Bộ TT&TT cũng đã lấy ý kiến rộng rãi và đã có phiên bản cuối cùng, sẽ trình Chính phủ cố gắng ban hành trong năm nay.
Trong đó có nội dung rất quan trọng là người dân đến một cơ quan công quyền đã khai báo 1 thông tin cá nhân thì cơ quan công quyền khác không được yêu cầu khai báo lại.
Hương Quỳnh - Thu Hằng - Trần Thường
Mạng xã hội nước ngoài vào Việt Nam làm ăn phải làm Việt Nam thịnh vượng
Mạng xã hội nước ngoài vào đây làm ăn thịnh vượng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng, không thể DN thịnh vượng mà làm cho Việt Nam lụn bại đi - Bộ trưởng TT&TT nói.