|
Ngày hội CNTT Việt-Nhật hàng năm luôn là cầu nối cho các doanh nghiệp CNTT 2 nước tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển hoạt động gia công phần mềm. Ảnh: Việt Hà. |
Số liệu khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho thấy Nhật Bản vẫn đang là thị trường truyền thống cho hoạt động xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Có tới 75% khối lượng công việc hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT 2 nước Việt - Nhật là gia công phần mềm. Các hoạt động khác như cho thuê nguồn nhân lực, gia công quy trình nghiệp vụ BPO... chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC), thị phần gia công phần mềm của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đã tăng từ 0,4% năm 2004 lên đến gần 4% năm 2009. Thời gian tới, cơ hội phát triển hợp tác còn rất lớn, nhất là khi Nhật Bản vẫn tiếp tục đánh giá Việt Nam là đối tác chiến lược về gia công phần mềm, và rất tích cực cổ súy cho chương trình hỗ trợ phát triển nhân lực CNTT Việt Nam theo hướng thị trường Nhật Bản. Theo khảo sát của Hiệp hội Người dùng tại Nhật Bản, hơn 40% doanh nghiệp nước này sẽ tăng đầu tư vào mảng CNTT với giá trị gần 300.000 tỷ yên; 58,8% doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng cường đầu tư. Đặc biệt, mảng gia công phần mềm của Nhật Bản vẫn đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ, có tới 71,1% doanh nghiệp Nhật Bản đã xuất khẩu gia công phần mềm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong tương lai nhằm giảm chi phí sản xuất, tận dụng nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng cơ hội phát triển thị trường ra quốc tế...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng đã bày tỏ sự vui mừng trước những con số ấn tượng như hoạt động gia công phần mềm cho Nhật Bản của doanh nghiệp CNTT Việt Nam tăng trưởng trung bình 60%/năm trong những năm gần đây; riêng năm 2008 - 2009, một số công ty CNTT Việt Nam đã tăng trưởng tới 200 - 300% doanh thu xuất khẩu phần mềm sang Nhật Bản. Thứ trưởng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục là một trong những thị trường lớn nhất của lĩnh vực phần mềm Việt Nam trong thời gian tới.