Các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV với chủ đề “Thúc đẩy phát triển liên kết vùng” diễn ra ngày 26/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, từ năm 2015 – 2017, vùng Đông Nam Bộ đã triển khai hơn 1.000 nhiệm vụ, dự án KHCN cấp tỉnh.
Trong đó, tỉ lệ các đề tài ở lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%; Y - dược 20%; Khoa học nông nghiệp 19%; Khoa học Xã hội 15,7%; Khoa học Nhân văn 6,6%; Khoa học tự nhiên 6,4%.
Các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương.
Các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai từ tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp với 28,5% giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 19% giai đoạn 2015 – 2017, khoa học kỹ thuật và công nghệ tăng từ 24,1% lên 32,3%.
Ngoài việc quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu, tính ứng dụng thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn như: TP. HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Phạm Công Tạc phát biểu tại hội nghị. |
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KHCN của vùng trong thời gian tới.
Cụ thể là, Đông Nam Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đông Nam Bộ cần tập trung, ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, giúp người nông dân được tiếp cận với những công nghệ mới.
Về hoạt động khởi nghiệp, các đại biểu kiến nghị, cần sớm hoàn thiện, phát triển Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST Quốc gia tại mỗi tỉnh, thành, kết nối với các cổng thông tin về khởi nghiệp ĐMST của các tổ chức, thành phố, bộ, ngành khác; ưu tiên triển khai các hoạt động phù hợp với thực trạng khởi nghiệp ĐMST, đẩy mạnh truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST, tham gia và kết nối với mạng lưới khởi nghiệp ĐMST quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc đánh giá cao các kết quả KHCN các tỉnh, thành phố trong vùng đã đạt được.
Theo Thứ trưởng, Đông Nam Bộ là khu vực phát triển năng động nhất ở Việt Nam. Sau 31 năm đổi mới, Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi lớn, luôn luôn là khu vực đầu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển dịch vụ, các ngành sản xuất hàng đầu ở Việt Nam.
Đây cũng là khu vực tập trung lực lượng lao động có trình độ cao, trung tâm thu hút đầu tư của nước ngoài, và là khu vực có tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn.
Bộ KHCN đã có một số quyết sách cũng như đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp trong vùng. Ví dụ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) ở TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được đầu tư lớn về trang thiết bị là minh chứng cụ thể về sự đồng hành của Bộ KHCN đối với sự phát triển của vùng.
Theo ông Tạc, sở KHCN các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đổi mới. Các Sở KHCN cần đề xuất được giải pháp liên kết để thực hiện liên kết vùng Đông Nam Bộ cũng như các đề xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của vùng.
Hà Phương