Bảy nghìn năm trước, từ lâu trước khi ngành công nghiệp bắt đầu hun nóng Trái Đất, nước biển dâng cao đe dọa đến một cộng đồng dân cư bên bờ biển Israel. Dân làng cần phải bảo vệ mái ấm của họ, nên họ đã xây một bức tường. Họ thất bại trước thiên nhiên và đã phải rời bỏ ngôi làng, nước biển Địa Trung Hải thì hung hăng càn quét hòn đảo và nhấn chìm toàn bộ nhà cửa, làng mạc.

Thế nhưng biển đã bảo tồn những gì nó phá hủy, hay ít nhất là những gì còn sót lại sau con nước dữ; dòng nước mát và lớp cát dày một mét đã bảo tồn các dụng cụ thuộc thời Đá Mới này, gồm vỏ hạt oliu, bát, xương động vật và các ngôi mộ. Bức tường là kiến trúc độc đáo nhất, và cũng là công trình lớn nhất còn sót lại: nó là một dãy đá tảng kéo dài 100 mét và chạy dọc theo đường bờ biển cổ.

"Nó là bờ đê cổ xưa nhất trên thế giới", Jonathan Benjamin nói. Anh là một nhà khảo cổ học, và giảng viên tại trường đại học Flinders, Úc. "Nó là bằng chứng đầu tiên của vấn đề rất thực mà chúng ta đang phải đối mặt ở hiện tại". Đương nhiên anh rất nhanh chóng nêu rõ sự khác nhau ở nguyên nhân biển dâng: ngày xưa là do ảnh hưởng của hậu Kỷ Băng hà, còn bây giờ là vì con người khiến cho Trái Đất nóng lên.

Benjamin cùng một đồng tác giả đã xuất bản một bản báo cáo khoa học mới trên PLOS One vào thứ tư tuần trước. Cả hai khẳng định rằng bờ đê trên chính là "lớp phòng ngự duyên hải già nhất thế giới".

Ngôi làng cổ, đặt tên là Tel Hreiz, được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1960, khi mà các thợ lặn vốn đang tìm kiếm xác tàu đắm bỗng phát hiện công cụ đánh lửa và xương người. Ngôi làng nằm khoảng từ ba đến bốn mét bên dưới mực nước biển. Người ta ít chú ý tới nó cho đến năm 2012, khi một cơn bão mùa đông mạnh mẽ thổi lớp cát bên trên đi và để lộ ra bờ đê đá. Một cơn bão khác vào 2015 làm lộ ra một phần còn lại.

Benjamin và nhà khảo cổ Ehud Galili của trường đại học Haifa (Israel), nói rằng họ đã tranh cãi với nhau về lý do bức tường tồn tại - như chuồng gia súc, một con đập, lớp phòng thủ trước kẻ địch - nhưng rồi họ đều bác bỏ chúng.

"Không kẻ địch nào xuất hiện từ phía bờ biển", Galili nói. Những người này dùng gỗ để xây chuồng gia súc, không phải đá. Kích thước, vị trí của bức tường và tính chất lạ thường của các hòn đá làm nên chúng chỉ ra một mục đích duy nhất: Một lớp phòng ngự trước biển.

"Những người này hiểu rằng họ phải đặt những tảng đá lớn xuống đó, không phải đá nhỏ. Họ rõ ràng đã suy tính từ trước và họ muốn bức tường phải tồn tại được lâu". Marie Jackson nói. Cô là một giáo sư địa lý tại trường đại học Utah, không nằm trong nhóm nghiên cứu. "Đây là một bờ biển nhiều biến động. Thiếu đi những bức tường, sẽ có rất ít sự bảo vệ".

Khi ngôi làng Tel Hreiz mới được thành lập, nó nằm trên mực nước biển khoảng 2,5 mét. Những người sống ở đó sinh tồn nhờ nông nghiệp. Họ chăn nuôi gia súc, săn hươu, chăm chó và lợn. Hàng trăm vỏ oliu được tìm thấy ở khắp nơi cho thấy họ biết chiết xuất dầu từ hạt.

Định tuổi bằng cacbon qua than, mảnh gỗ, xương động vật và hài cốt con người cho thấy ngôi làng này đã phát triển thịnh vượng trong vài trăm năm. Khoảng 10 đến 20 gia đình sinh sống ở đó, Galili nói. Chỗ này đã có thể là mái ấm của họ ít nhất thêm 10 thế hệ nữa.

"Tôi khá chắc họ đã nghĩ rằng 'gia đình của chúng ta đã sinh sống ở đây từ rất lâu và chúng ta cần phải bảo vệ nó' ", Benjamin nói.

Những người sinh sống ở Tel Hreiz chắc chắn không bao giờ ngờ được nước biển sẽ dâng cao sau sự kiện mà các nhà địa lý học gọi là "đỉnh điểm băng hà cuối". Tại đỉnh điểm của kỷ băng hà gần nhất, khoảng 20.000 năm về trước, một lượng băng lớn bị kẹt ở hai cực. Nước biển dâng cao khi lượng băng khổng lồ băng bắt đầu tan.

Dọc theo bờ biển Israel, các cơn bão mùa đông đẩy sóng lên cao trên bờ. Dòng chảy của nước tương tự với cơn bão dâng lên Atlantic vào mùa bão nhiệt đới, Benjamin nói.

Theo tác giả của báo cáo, khoảng từ 9.000 đến 7.000 năm về trước, biển Địa Trung Hải tiến lại gần bờ bắc của Israel mỗi 4 mm một năm. Những cơn sóng mùa đông rất nguy hiểm. Những ngôi nhà ở Tel Hreiz được xây bằng các loại đá đơn giản không có vữa nên rất dễ bị nước làm hỏng. "Sóng biển có thể gây hại rất lớn với loại kiến trúc này", Galili nói. "Từng chút từng chút, các hư hại sẽ xuất hiện nhanh hơn và thường xuyên hơn".

Những dấu hiệu đáng lo ngại này có thể gây nên những cuộc tranh luận tương tự mà các cộng đồng ven biển bây giờ sở hữu, Benjamin nói. "Họ đã rất cố gắng bảo vệ mái ấm của họ".

Các tảng đá dùng để xây bờ đê không xuất phát từ gần đó. Chúng không có dấu hiệu là được khai thác. Dựa trên viền tròn của các tảng đá, tác giả nghi ngờ rằng sông đã phong hóa chúng. Con sông chứa loại đá tương tự nằm xa một vài cây số.

Jackson, một chuyên gia về kiến trúc biển xây bởi người Roman cổ, đã nghiên cứu kiến trúc cảng ở Caesarea, một thành phố biển cách Tel Hreiz cỡ 50 cây số. Mặc dù Caesarea được xây dựng vài ngàn năm sau, sử dụng vật liệu khác, Jackson nói rằng những cộng đồng này cùng chia sẻ "những tập quá về kiến trúc" - một tinh thần "xây để chống biển". Người Roman vận chuyển tầm 15.000 đến 20.000 kg đá bọt từ Ý để xây dựng cảng Caesarea.

Tương tự, cần rất nhiều công sức để có thể xây một bức tường ở Tel Hreiz. "Kích cỡ và trọng lượng của những tảng đá rất ấn tượng và đã nói lên ý định của thợ xây là để tạo ra một bức tường trường tồn với thời gian và hữu dụng". Jackson nói.

Xây bức tường là "quyết định của cả cộng đồng và là một cố gắng chung", Galili nói. Các tảng đá, nặng đến 1.000 kg, chắc chắn đã được một nhóm người vác, hoặc kéo bằng bò, thậm chí là lăn đến.

Với tốc độ tăng mực nước biển hiện tại, vào 2100, đại dương sẽ cao hơn bây giờ 65 cm. Các nơi như Miami với mức dâng là 9 mm mỗi năm từ 2006, mức độ dâng rất có thể là gấp đôi đối với những người ở Tel Hreiz.

"Họ đã cố gắng đến cùng nhưng rốt cuộc họ vẫn bỏ mặc nó", Benjamin nói. "Và đó là một bài học nghiêm túc từ quá khứ loài người chúng ta, nhỉ?"

Theo GenK