Thông tin từ Chi cục Dân số tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy nếu năm 2009, Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn già hóa dân số với gần 9,7% dân số từ 60 tuổi trở lên thì đến nay, tỷ lệ này là hơn 14,5% và dự báo sẽ tăng lên 16,5% vào năm 2029.
Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân có tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh vẫn còn thấp. Hầu hết người cao tuổi đều mang ít nhất một bệnh mãn tính, trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thách thức đặt ra, Chi cục Dân số tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Phối hợp tuyền truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi; trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc phát huy và chăm sóc người cao tuổi; những kiến thức cơ bản về chăm sóc người cao tuổi; biểu dương, nêu gương những người cao tuổi tiêu biểu ở địa phương…
Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có hơn 106.000/171.000 người được khám sức khỏe định kỳ, cấp thuốc miễn phí, chiếm 61,7% tổng số người cao tuổi. Hơn 1.600 câu lạc bộ văn nghệ - thể dục, dưỡng sinh - thể thao và hơn 70 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với hơn 3.700 thành viên.
100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 50% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
70% người cao tuổi ở Vĩnh Phúc được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe; 40% người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm. Gần một nửa số xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 câu lạc bộ, 1 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.