- Theo dõi diễn biến sự việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), anh Nguyễn Hoài Chương - hiệu trưởng một trường phổ thông ở Lâm Đồng gửi tới VietNamNet ý kiến về "7 việc cần làm". Trong đó anh lưu ý, sắp tới, khi bổ nhiệm hiệu trưởng mới của trường, cần lắng nghe ý kiến giáo viên, lấy lợi ích học sinh làm cốt lõi.

{keywords}

Cô giáo Trần Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Trần Chí Kiên: "Giờ đây chúng tôi tự nhủ sẽ cố gắng hết sức mình để ổn định công tác giảng dạy, lấy lại niềm tin từ phụ huynh và học sinh"

Họ bị tổn thương, bị khảo sát lấy ý kiến cùng những bàn tán, săm soi..., trong nội bộ đâu đó làm sao tránh khỏi sự phân hóa vì nhiều lý do khác nhau.

Vậy, cần phải làm gì để nhà trường ổn định dạy – học như chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, quận Cầu Giấy?

Cũng là một hiệu trưởng, tôi xin đề xuất 7 vấn đề như sau:

Một là, lãnh đạo Sở cùng Phòng GD-ĐT, các đoàn thể tại quận Cầu Giấy, chính quyền địa phương cần quan tâm, trợ giúp, tư vấn để thầy cô yên tâm dạy - học bình thường. Cú sốc tâm lý trong thời gian qua tại trường cần được giải tỏa, tốt nhất có các chuyên gia tâm lý giúp. Nội bộ Nhà trường tránh bàn tán, xầm xì, chờ đợi, công kích, cảm thông... Thầy cô tại đây phải bản lĩnh, tất cả vì học sinh. Các buổi sinh hoạt Hội đồng sư phạm, đoàn thể của trường, lãnh đạo các cấp nên phân công người về dự để nắm bắt tình hình, lắng nghe nguyện vọng chính đáng, giải quyết kịp thời những đề xuất hợp lý, hợp tình.

Hai là, với cô giáo được giao nhiệm vụ quản lý điều hành nhà trường tạm thời cần tranh thủ sự lãnh đạo của chi bộ, phối hợp tốt với Công đoàn, Đội thiếu niên, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng trường để xây dựng kế hoạch dạy học. Tuyệt nhiên không có tâm lý làm cho xong rồi chờ... hiệu trưởng mới hoặc do bận công việc tại Phòng GD-ĐT nên dành thời gian cho công việc tại trường không nhiều.

Ba là, việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mới tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên phải lắng nghe ý kiến của giáo viên tại trường, lấy lợi ích của học sinh làm cốt lõi. Làm khảo sát tín nhiệm của tập thể sư phạm tại trường theo đúng quy trình. Còn khoảng ba tháng là kết thúc năm học là đủ thời gian để tính toán thận trọng nhân sự mới.

{keywords}

Học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên vui đùa trên sân trường

Bốn là, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp để học sinh vui học. Công bố cho các em biết điều gì đã – đang – sẽ xảy ra tại trường trong giới hạn cho phép. Chú trọng chất lượng các tiết sinh hoạt Đội, sinh hoạt chủ nhiệm lớp, tiết chào cờ đầu tuần, lồng ghép những nội dung theo chủ điểm đảm bảo tính giáo dục, thân thiện, sinh động. Con trẻ vui là học tốt, vui là quên đi chuyện buồn ngay mà.

Năm là, tiếp tục phát triển tình đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Mỗi thầy cô, các đoàn thể trong trường tuyệt nhiên không để tình trạng phe này, nhóm kia (rất có thể xảy ra). Quản lý điều hành nhà trường tạm thời, chi ủy, ban chấp hành Công đoàn, ban chỉ huy Liên Đội lúc này phát huy tính tiên phong, mẫu mực, nhân văn.

Sáu là, phối hợp tốt với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức cuộc họp theo đơn vị lớp với toàn thể phụ huynh, trao đổi để họ nắm rõ diễn biến và xử lý vụ việc vừa qua, những biện pháp của phụ huynh cùng nhà trường vì quyền lợi học tập của con em mình trong những tháng trước mắt. Tiếp tục giúp đỡ cháu Trần Chí Kiên trong học tập, sinh hoạt. Cùng với đó, có sự cảm thông chia sẻ với gia đình của cháu Trần Chí Kiên - công việc này bây giờ là của trường Nam Trung Yên trong bối cảnh mới.

Bảy là, vụ việc xảy ra là bài học chung cho toàn ngành, thiết nghĩ các cấp quản lý ngoài chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng có thêm Quy tắc ứng xử của hiệu trưởng. Điều này vừa giúp hiệu trưởng thực thi tốt nhiệm vụ, đồng thời là căn cứ để giám sát, kiểm tra việc thực thi trách nhiệm tại đơn vị mà họ được giao phụ trách. Hiệu trưởng có vai trò quan trọng, có thể nói không ngoa: “Hiệu trưởng thế nào thì nhà trường thế ấy”.

Hy vọng thầy cô Trường tiểu học Nam Trung Yên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016 - 2017.

Nguyễn Hoàng Chương