Trong đó, TS. Cấn Trần Thành Trung, tốt nghiệp Viện công nghệ California, Mỹ về làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên. TS. Hoàng Tùng, tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc và TS. Trần Thị Thuỳ Linh, tốt nghiệp Trường ĐH Paris-Saclay, Pháp về làm việc tại Trường ĐH Khoa học sức khoẻ.

TS. Văn Phụng Trường Sơn, tốt nghiệp Đại học Carnegie Mellon, Mỹ và TS. Nguyễn Sỹ Ngọc, tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc về làm việc tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

TS. Vũ Gia Phong, tốt nghiệp Đại học California Berkeley, Mỹ về làm việc tại Trường ĐH Quốc tế. TS. Phạm Ngọc Thanh, tốt nghiệp Đại học Osaka, Nhật Bản về Trường ĐH An Giang.

z6167686382933_e6eb175ec2a37e38f081291620710f16.jpg
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: VNUHCM

7 tiến sĩ này nằm trong số 23 người về ĐH Quốc gia TPHCM theo Chương trình VNU350. Theo chương trình này, đối với nhà khoa học trẻ, trong thời gian 2 năm đầu, họ sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí 200 triệu đồng); năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ); năm thứ 4 họ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng; năm thứ 5 được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp nhà nước. 

Đối với nhà khoa học đầu ngành, trong thời gian 2 năm đầu được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng). Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, đăng ký chủ trì đề tài các cấp. 

Ngoài các chế độ đãi ngộ trên, họ nhận được lương, thưởng theo quy định.