1 Hợp tác phát triển game ở châu Á - Thái Bình Dương

Hiệp hội Doanh Nghiệp Phần Mềm Việt Nam (VINASA) cùng 9 hiệp hội phần mềm và phát triển game ký ghi nhớ phát triển công nghiệp game trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại sự kiện Game Convention Asia - GCA (hội nghị triển lãm game khu vực châu Á - Thái Bình Dương) tổ chức tại Singapore từ 6 đến 9/9/2007 và có hiệu lực kể từ ngày ký 6/9/2007. Bản ghi nhớ này nhằm tạo điều kiện trao đổi thông tin và hợp tác kinh doanh giữa các bên tham gia. Ngoài việc tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phần mềm và game phát triển độc lập, bản ghi nhớ còn mở rộng giao thương giữa các doanh nghiệp phát triển và phát hành game, xây dựng một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao và là một ngành công nghiệp trọng điểm mà Việt Nam đang hướng tới.

2 Thể thao điện tử (eSports) không ngừng lớn mạnh

Lần tổ chức thứ 2 của giải vô địch “Thể thao điện tử Việt Nam 2007” – VESC 2007 (Vietnam eSports Championship 2007) do ESVN, tạp chí Thế Giới Vi Tính - Thế Giới Game, VEN và MRD tổ chức trên phạm vi toàn quốc đã cho thấy sự lớn mạnh của cộng đồng game thể thao điện tử Việt Nam. Hiện VESC là giải nội địa có uy tín và qui mô lớn nhất Việt Nam. Từ lần tổ chức thứ 1 vào năm 2006 đến nay, thể thao điện tử đã trở thành phong trào giải trí trong giới trẻ, kéo theo nhiều giải thi đấu đáng kể khác như “ESVN Games Tournament” hay “ELS Summer Intel Cup 2007 – Lửa thử vàng”.

3 Nghiêm túc phát triển game

Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao ... những linh vật trong truyền thuyết dân gian Việt Nam sẽ xuất hiện trong một trò chơi trực tuyến (có tên dự án là T0812) do người Việt (công ty VinaGame) phát triển. Sự tham gia của hãng phát hành game hàng đầu thị trường Việt Nam này cho thấy sự chuyển biến về chất: từ một thị trường tiêu thụ game trực tuyến, Việt Nam đã bước sang lĩnh vực phát triển game. VinaGame cho biết sẽ tung trò chơi này ra thị trường Việt Nam trong đầu 2008. Được biết, công ty Glass Egg cũng sẽ tung ra game do họ tự phát triển vào 2008. Trong 2007, chương trình Game Developer đào tạo nghề phát triển game đã được NIIT đưa vào Việt Nam. Đáng ghi nhận là quyết tâm phát triển thị trường game, ứng dụng trên ĐTDĐ tiếp tục được khẳng định bằng Mobile Labs 2007.

4 Hàng hóa ảo sôi động

Sự ra đời của website www.marketforgamer.net cho thấy nhu cầu mua bán hàng hóa ảo trong các MMORPG được phát hành tại VN đã bùng nổ và đòi hỏi sự có mặt của những nhà trung gian đáng tin cậy. Chiều 8/9/2007, tại Hà Nội, chiếc nhẫn Toàn Thạch Giới Chỉ trong Võ Lâm Truyền Kỳ đã được bán với giá 251 triệu đồng.

5 Thị phần của game trực tuyến chiếm ưu thế

Trong 2007 qua, thị trường game trực tuyến tiếp tục sôi động với sự xuất hiện cũng như ra đi của nhiều thế giới ảo. Phương thức kinh doanh trực tuyến với cách cung cấp game miễn phí (hoặc có tính phí) giờ chơi và thương mại hóa vật phẩm đã giúp các hãng phát hành đứng vững. Trong khi đó, thị trường game bản quyền cho các hệ máy vẫn chưa thực sự biến chuyển do vẫn tồn tại hệ thống phân phối game không có bản quyền.

6 ISGAF 2007 là triển lãm giải trí điện tử quốc tế tại Việt Nam

Tuy chưa thể so sánh với các triển lãm giải trí điện tử khác ở Nhật, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc song ISGAF 2007 đã bước đầu thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế của ngành game và giải trí điện tử Việt Nam. ISGAF 2007 cũng đã tham gia tổ chức cuộc thi “Game & Game World Championship” để tìm những game thủ xuất sắc nhất tham gia so tài cùng game thủ thế giới.

7 Việt Nam tiếp tục thất bại tại WCG Grand Final 2007

Tuyển Việt Nam với 3 cựu binh từ WCG Monza (Ý) 2006 một lần nữa bị loại tại WCG Seattle (Mỹ) 2007. Dù đã đạt kết quả khả quan hơn trong khu vực châu Á năm nay nhưng đến vòng chung kết thế giới WCG, chúng ta vẫn hoàn tay trắng. Cộng đồng game thủ trông chờ một kết quả khả quan hơn tại WCG Cologne (Đức) 2008.

Theo PC World.com.vn