Một trong những trường hợp nghiện internet, game online mà thầy thuốc ưu tú – TS. BSCK II Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai phải điều trị trường kỳ nhất là nam sinh viên quê Bắc Giang, sinh viên ngành Kiến trúc tại một trường đại học ở Hà Nội.

Do đặc thù ngành học, cậu phải truy cập internet thường xuyên. Bố mẹ ở xa không thể quản thúc, người anh trai ruột cùng ở Hà Nội cũng bận học nên ít để mắt đến em. Sau này, người anh phát hiện em trai không tới lớp nữa, chỉ ngày ngày chăm chú bên màn hình máy vi tính.

Bệnh nhân cũng thay đổi hẳn tính cách, bỗng trở nên cáu kỉnh, thường xuyên đập phá đồ đạc và không giao tiếp với bất cứ ai. Việc học tập của nam thanh niên sa sút trầm trọng, cậu thi trượt tất cả các môn dù trước đó học rất giỏi.

Khi tới khám tại bệnh viện, bệnh nhân ở trong tình trạng “người gầy như xác ve, tóc dài ngang vai”, là trường hợp nghiện internet nặng. Bác sĩ Dũng chia sẻ, sau 7 năm điều trị trường kỳ, hiện tại nam thanh niên đã ổn định, có thể tiếp tục đi học. Tuy nhiên, anh chậm chạp hơn và vẫn chưa thể tốt nghiệp đại học dù đã gần 30 tuổi.

“Lần gần nhất tới khám cách đây 2 tuần, bệnh nhân đã béo hơn, tỉnh táo hơn nhưng vẫn thường xuyên nhái lại các âm thanh phát ra từ máy tính, internet khi giao tiếp”, bác sĩ Dũng cho biết.

{keywords}
 
{keywords}
Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai

Một câu chuyện khác thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Dũng rất nhớ là về người đàn ông sinh năm 1974, trú tại Thái Nguyên, tới khám vào năm 2009. Sự việc bắt đầu khi anh này mở cửa hàng internet để cho sinh viên thuê, tiện lắp đặt luôn một chiếc máy tính trong phòng riêng phục vụ giải trí.

Thời gian đầu, anh còn rất năng nổ quản lý cửa hàng, tuy nhiên dần dần, gia đình phát hiện anh chỉ ngồi trong phòng để chơi game mà không ra ngoài nữa. Đỉnh điểm, người đàn ông này dành tới 20 tiếng 1 ngày cho việc chơi các loại game bạo lực, có dao kiếm.

Anh ta quên cả ngủ, thậm chí cũng không cần ăn, thỉnh thoảng ra ngoài mang rượu, thuốc lá vào phòng và tiếp tục chơi game.

Đến một ngày, con gái anh vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy cha chặt tre, bẻ giát giường để đẽo thành kiếm rồi la hét trong phòng. Khi có người bước vào, anh này lập tức bật dậy, lấy kiếm tự chế hoặc bất kỳ vật dụng trong phòng như vợt muỗi để múa kiếm. Khi tách biệt người đàn ông khỏi máy tính, anh quậy phá, la hét, đòi được tiếp tục đấu với các nhân vật trong game.

Bác sĩ Dũng cho biết, thời điểm tới khám, người này rất gầy, tóc rất dài, có kích động, la hét, đập phá, tấn công mọi người, kể cả nhân viên y tế.

Xác định đây là trường hợp nghiện game, các bác sĩ tiến hành cưỡng chế kết hợp liệu pháp tâm lý, trị liệu hành vi, điều trị an thần kinh. Sau 1 tuần, bệnh nhân ổn định hơn và giảm thiểu các triệu chứng. Đến khoảng ngày thứ 13, anh đã tỉnh táo dần.

TS. BSCK II Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, dấu hiệu dễ nhận thấy của người nghiện internet, game online là sự biến đổi về tính cách, cáu giận vô cớ, xa lánh mọi người, gầy sút, không ăn ngủ mà chỉ tập trung vào thiết bị thông minh. Khi bị cản trở “thú vui”, họ dễ bùng nổ sự tức giận, kích động.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, với những trường hợp này, bệnh nhân cần được điều trị tâm thần ngay chứ không thể trông chờ vào việc cúng bái hay tự sử dụng thuốc nam.

Để tránh mắc chứng nghiện game, internet, phụ huynh cần cản trở, tách biệt thiết bị công nghệ với trẻ nhỏ khi thấy con sử dụng chúng liên tục. Với người trưởng thành, gia đình cũng cần có lời khuyên, sự ngăn cản để tránh từ sở thích tiến tới nghiện.

Thông thường, thời gian sử dụng internet chỉ nên từ 45 đến 60 phút liên tục. Sau đó, cần nghỉ ngơi để cơ thể điều hòa trước khi tiếp tục truy cập. Một ngày, bạn không nên vượt quá 5 đến 7 tiếng cho việc dùng thiết bị công nghệ. Trong 1 tuần, không nên sử dụng quá 5 ngày liên tục.

Ngoài ra, người chơi game, sử dụng internet phải có chế độ bồi bổ cơ thể, bổ sung vitamin và chú ý ngủ đủ 7 tiếng/ ngày mới có thể giảm thiểu nguy cơ dẫn tới hội chứng cai.

Nguyễn Liên

Những câu chuyện ám ảnh bác sĩ hơn 30 năm điều trị bệnh nhân tâm thần

Những câu chuyện ám ảnh bác sĩ hơn 30 năm điều trị bệnh nhân tâm thần

Trong hơn 30 năm làm nghề, bác sĩ Dũng đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nghiện game, nghiện internet. Trong số đó, có nhiều câu chuyện khiến ông thực sự đau lòng, ám ảnh.