Lý do chính là doanh số bán hàng chững lại, lượng khách giảm và áp lực lạm phát kéo dài.
Số cửa hàng bị đóng chiếm khoảng 3% trong 13.000 địa điểm mà 7-Eleven đang vận hành ở Mỹ và Canada.
Seven&I Holdings - công ty mẹ của 7-Eleven - cho biết họ đối mặt với tình trạng chi tiêu thận trọng từ phía khách hàng, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp.
Thuốc lá - mặt hàng từng được coi là chủ lực của các cửa hàng 7-Eleven - cũng đang bị giảm doanh số, khiến doanh thu giảm mạnh. Hiện, doanh số thuốc lá bán ra tại chuỗi cửa hàng đã giảm 26% kể từ năm 2019, và sự chuyển dịch sang các sản phẩm nicotine khác không đủ bù đắp sự thiếu hụt này.
Việc 7-Eleven đóng một phần các cửa hàng cũng được xem là động thái nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trước khi tiến hành những bước tái cơ cấu. Công ty cho biết họ sẽ tiếp tục mở cửa hàng mới tại các khu vực có tiềm năng phát triển cao hơn, phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của mình.
Thông báo đóng cửa nói trên diễn ra trong bối cảnh công ty mẹ của Circle K là Alimentation Couche-Tard đang nỗ lực mua lại 7-Eleven. Công ty Canada này đã đưa ra mức giá chào mua ban đầu là 38,7 tỷ USD, nhưng bị từ chối.
Vào ngày 9/10 vừa qua, Alimentation Couche-Tard đã nâng mức đề nghị lên 47 tỷ USD - một bước đi lớn nhằm thúc đẩy khả năng thành công của thương vụ. Nếu suôn sẻ, đây sẽ là vụ thâu tóm lớn nhất của một công ty Nhật Bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc đàm phán giữa hai bên vẫn đang được giữ kín theo yêu cầu của bên mua.
Tại Việt Nam, 7-Eleven đã gia nhập thị trường từ năm 2017 và hiện có gần 120 cửa hàng trải dài trên cả nước.