iphone

Đây là bài viết vui của trang công nghệ Make Use Of, VnReview chuyển ngữ.

Nếu bạn là một fan Android, và dù bạn có ghét iPhone hay không, có những câu hỏi mà bạn không nên nói ra trước mặt những người dùng ở phía bên kia "chiến tuyến".

1. "Rồi bạn dùng cái headphone cũ vào việc gì?"

Vào năm 2016, Apple đã thẳng tay loại bỏ jack headphone trên iPhone 7 trước sự sững sờ của người dùng. Ba năm sau, jack headphone vẫn "một đi không trở lại".

Tất nhiên, người dùng Android cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi quyết định khó hiểu này. Nhiều thiết bị Android hiện nay cũng không hề có jack 3.5mm. Nhưng ít ra, người dùng Android vẫn có thể lựa chọn giữa vô vàn những thiết bị còn giữ jack headphone này, trong số đó có mẫu flagship mới nhất của Samsung là Galaxy S10.

Vậy những người bạn đang dùng iPhone của bạn làm gì với những chiếc headphone có dây siêu đắt họ từng mua? Tốt nhất đừng nên hỏi. Họ có thể chưa thấy sự tiện lợi của Android, nhưng bạn vẫn muốn làm bạn với họ mà, đúng không?

Và để an toàn hơn nữa, đừng bao giờ nhắc đến thứ gì đại loại như "chất lượng âm thanh" hay "tai nghe bị rơi mất" nhé!

2. "Tại sao lại mua ốp lưng vậy?"

Câu hỏi này dễ hiểu thôi, iPhone cực kỳ đắt, và người ta chỉ muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình mà thôi.

Nhưng thật nghịch lý, khi mà điểm hấp dẫn người ta mua iPhone nhất -  và một trong những lý do phổ biến nhất mà fan iOS đưa ra để giải thích cho quyết định mua iPhone của mình - chính là thiết kế.

iPhone rất đẹp, đó là chưa kể Apple luôn tìm cách để khiến các thiết bị của hãng mỏng hơn qua mỗi lần nâng cấp.

Vậy thì tại sao người ta lại cứ khăng khăng gắn một cái ốp cồng kềnh vào chiếc điện thoại của họ? Chẳng phải họ đang phủ nhận mọi công sức của Apple hay sao?

À...đúng rồi, ốp là để bảo vệ iPhone khỏi bị... cong.

apple maps

3. "Sao đến trễ thế? Tôi gửi dẫn đường rồi mà?"

Bạn đang giữa một cuộc nhậu tưng bừng. Anh em đang hát hò phấn khích. Rồi bạn bỗng giật mình: thằng bạn mình đâu rồi? Lẽ ra nó phải đến đây từ 2 tiếng trước mới phải chứ?

Cuối cùng nó cũng đến, với vẻ mặt rất căng thẳng. Lý do của sự bực bội đó? Apple Maps. Đó chính là ứng dụng bản đồ mặc định trên iOS, và bạn không thể thay đổi điều đó.

Apple Maps là một cơn ác mộng. Tính đến tháng 11/2018, Apple Maps chỉ chi tiết hơn Google Maps tại 3,1% lãnh thổ nước Mỹ, còn ở nước ngoài, như Việt Nam, thì...

Thay vì đá xoáy ông bạn mình vì dựa dẫm vào một ứng dụng nghèo nàn như vậy, có lẽ bạn nên nhắc cậu ta sắm ngay một tấm bản đồ giấy truyền thống, bởi nó có khi còn đáng tin cậy và rẻ hơn rất rất nhiều so với một chiếc iPhone giá gần 1.000 USD.

4. "Bạn lẽ ra nên mua bản 512GB"

iphone

Chiếc iPhone XS bản cơ bản nhất có giá 999 USD, nhưng bộ nhớ trong của nó chỉ 64GB mà thôi - không bao giờ đủ cho bạn chứa mọi ứng dụng cần thiết và phim ảnh trong năm 2019 này.

Kết quả là đại đa số người mua sẽ chọn bản 256GB với giá 1.149 USD. Nếu bạn muốn bản có bộ nhớ trong tối đa, 512GB, bạn sẽ phải cắn răng chi ra 1.349 USD, chưa kể các khoản linh tinh khác.

Chính mức giá quá cao phải bỏ ra để có thêm dung lượng lưu trữ đó khiến người dùng iPhone đau đầu mỗi khi hết bộ nhớ trong. Họ hoặc sẽ phải xóa bớt dữ liệu, hoặc phải đăng ký một gói iCloud cũng đắt đỏ không kém.

Do đó, nếu không muốn bạn bè bạn "sôi máu" hơn, tốt nhất hãy khôn ngoan đừng nhắc đến việc hầu hết điện thoại Android có thể cắm thẻ nhớ SD để mở rộng bộ nhớ lưu trữ, và cũng đừng nhắc đến việc bạn có thể sắm được một chiếc thẻ nhớ đến 200GB trên Amazon với giá chỉ từ 20 - 30 USD, tùy nhãn hiệu!

5. "Mượn sạc tí được không?"

Bạn dùng Android, và bạn có một cục sạc duy nhất. Nó có thể sạc điện thoại, loa Bluetooth, headphone, máy nghe nhạc MP3, tablet, và cả GoPro nữa. Và khi thế giới đang dần chuyển sang dùng USB-C, bạn thậm chí có thể sạc được cả laptop nữa!

Người dùng iPhone không may mắn đến vậy.

Họ phải dùng đến 3 cục sạc khác nhau để sạc MacBook Air 2015, MacBook Pro 2012, và iPhone 7. Nếu có thêm một chiếc iPod cũ, họ phải dùng thêm một cục sạc thứ 4, bởi nó cổng có kết nối khác.

Thế nên ngoài việc đừng hỏi câu hỏi số 5 này, bạn cũng đừng nói gì đến giá bán của những cục sạc chính hãng hoặc được Apple chứng nhận. Và đừng nhắc đến các loại adapter hay dongle nốt.

6. "Chép file vào máy rồi cài thôi..."

Có rất nhiều lý do tại sao một ứng dụng mà bạn muốn lại không có mặt trên Google Play Store. Có thể nó bị hạn chế ở khu vực bạn đang sống, có lẽ nó có chứa nội dung người lớn, hoặc có lẽ nó chỉ có mặt trên một trong số rất nhiều cửa hàng ứng dụng Android bên thứ ba.

Vấn đề này quả là phức tạp. Bạn phải tìm một trang cho tải file APK thật đáng tin cậy, sau đó cài đặt nó vào máy bằng dòng lệnh từ máy tính (sideload) hoặc chép tập tin APK đó vào bộ nhớ trong của điện thoại để cài.

Nhưng với người dùng iOS, mọi thứ còn phức tạp hơn nhiều. Về mặt kỹ thuật, có thể cài ứng dụng vào iPhone theo kiểu sideload, nhưng nó đòi hỏi một số thủ thuật với chứng nhận nhà phát triển của Apple, hoặc thiết bị iOS phải được jailbreak. Tất nhiên, cả hai việc này đều không được khuyên dùng.

7. "Siri, tại sao Google Assistant lại tốt hơn cậu thế?"

Lời khuyên cuối cùng không phải là một câu hỏi mà bạn không nên nói với người dùng iPhone, đó là câu hỏi bạn không nên nói trước mặt họ.

Xét một cách công bằng, Siri đã tiến rất sát với Google Assistant trong vài năm trở lại đây, nhưng mọi người đều đồng ý rằng công cụ của Google vẫn là một sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

Tất nhiên, câu hỏi trợ lý ảo nào tốt hơn là một câu hỏi rất khó trả lời. Sự khác biệt giữa chúng nay đã giảm thiểu đến mức người dùng iOS có thể tự hào về Siri.

Do đó, nếu bạn muốn tránh phải tranh luận về vấn đề này, tốt nhất hãy nói Siri bật một bài nhạc vui tai và giữ ý kiến của mình trong lòng mà thôi.

Nếu bạn là người dùng Android, có câu hỏi nào bạn muốn thêm vào danh sách này hay không?