Ngày 26/12, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) xác nhận 7 con sếu đầu đỏ bay về nơi đây lúc 11h trưa cùng ngày. Sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim từ tháng 12 là tín hiệu mừng, báo hiệu hệ sinh thái ở đây dần phục hồi.

Sếu đầu đỏ với dáng vẻ kiêu hãnh, chiều cao đến 1,8m và có màu đỏ đặc trưng trên đầu - được coi là biểu tượng của hòa bình, may mắn, và sự phát triển bền vững. Đây là loài chim cao nhất biết bay, hiện được xếp vào danh mục các loài dễ bị tổn thương. 

Sếu đầu đỏ.jpg

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim chia sẻ, rất lâu rồi sếu đầu đỏ mới bay về từ tháng 12.

Đàn sếu 7 con bay gần, kêu lớn, vòng quanh khảo sát khá lâu mới bay đi. Theo nhận định, nhiều khả năng sau chuyến "tiền trạm" này, đàn sếu sẽ về trú ngụ ở Tràm Chim trong thời gian tới. 

Theo các chuyên gia, cuối tháng 12 là thời điểm đàn sếu bắt đầu rời nơi sinh sản phía Bắc Campuchia để về vùng ĐBSCL. 

Trước đây, sếu đầu đỏ cũng bay về Tràm Chim vào thời điểm này. Tuy nhiên trong nhiều năm nay, sếu dần về Tràm Chim rất muộn, có năm không cá thể nào về.

seu dau do 69775.jpg
Đàn sếu đầu đỏ từng về Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Hùng

Hiện, các bãi năn - thức ăn khoái khẩu của sếu ở các phân khu A5, A4 và A1 ở Tràm Chim đã phục hồi khá tốt sau thời gian thay đổi cách quản lý, không chú trọng trữ nước chống cháy rừng như trước. Ngoài năn, cá, tép, côn trùng cũng dồi dào, là tiêu chí quan trọng để loài sếu tìm về.