1. “Nếu anh/em cảm thấy như thế thì có lẽ chúng ta nên ly hôn”
Câu nói này cũng tương tự như khi bạn nói: “Chúng ta chỉ gắn bó với nhau vì bọn trẻ”, hay “Tôi đã đợi thời điểm này lâu lắm rồi”.
Từ “ly hôn” không nên được nói ra một cách dễ dàng vì nó rất dễ làm tổn thương cảm giác tin tưởng và an toàn trong hôn nhân.
Những từ như thế này thường được sử dụng khi bạn đang tranh luận gay gắt và người nói ra điều đó lại thường không thực sự muốn ly hôn. Thông thường, họ chỉ đang cố gắng bày tỏ sự thất vọng vì không thể giải quyết được một xung đột cụ thể. Nhưng việc có một hoặc nhiều xung đột chưa được giải quyết không làm cho các bạn không thể hoà hợp.
Hôn nhân được tạo nên bởi 2 cá nhân, trong đó mỗi người mang những giá trị, ý tưởng và cách làm khác nhau. Nhiều xung đột liên quan đến những khác biệt này sẽ không bao giờ giải quyết được.
Thoả hiệp hay không có thể là cách duy nhất bạn làm được cho một số vấn đề. Thay vì cảm thấy những khác biệt và xung đột này khiến các bạn không thể hoà hợp, hãy cố gắng hiểu bạn đời của bạn tới từ đâu và tại sao họ làm như vậy.
2. “Tôi ghét anh”
Câu này cũng giống như “Tôi không còn yêu anh nữa”.
Tôi nhớ có lần tôi và vợ cãi nhau nảy lửa. Trong một khoảnh khắc tức giận, cô ấy đã nói câu này. Tôi không tin rằng cô ấy có ý đó nhưng tôi vẫn bị “sốc” nặng. Tôi đã cảm thấy đau đớn và tức giận vì cô ấy đã trót nói như vậy ngay cả khi tôi biết cô ấy đang giận dữ.
Nhưng không lâu sau, cô ấy đã xin lỗi và trấn an tôi về tình yêu của cô ấy dành cho tôi. Tin tốt là khi cô ấy xin lỗi và sửa sai, những cảm xúc lúc trước ngay lập tức được thay thế bằng sự nhẹ nhõm và biết ơn.
3. “Anh/em thật ngu ngốc”
Không phải lúc nào vợ chồng tôi cũng nhìn nhận mọi thứ giống nhau. Đôi khi những việc tôi làm có vẻ phi lý với cô ấy nhưng lại rất có ý nghĩa với tôi và ngược lại.
Đó là bởi vì mỗi người mang những quan điểm và giá trị khác nhau vào mối quan hệ này. Sẽ tốt hơn khi chúng ta ngồi lại để hiểu quan điểm của nhau thay vì vội vàng phán xét hoặc xúc phạm.
4. “Đương nhiên một người đàn ông/phụ nữ sẽ nghĩ như vậy!”
Câu này mang hàm ý rằng “Hãy quan tâm đến mấy việc của phụ nữ ấy!”, hay “Đây là việc của đàn ông”.
Đôi khi sự khác biệt trong cách nghĩ gây ra xung đột. Có những vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài và cũng đến lúc nó “sôi lên sùng sục”.
Sự đồng cảm cho phép chúng ta nhìn ra những bất ổn về mặt cảm xúc trong quá khứ, cùng nhau giải quyết vấn đề hoặc đưa ra lời trấn an.
5. “Anh/em không muốn nói về chuyện này nữa”
Đôi khi chúng ta cần nghỉ ngơi sau một cuộc tranh cãi để “hạ nhiệt”. Nhưng khi chúng ta hoàn toàn từ chối giải quyết một vấn đề trong hôn nhân của mình, điều đó sẽ gây ra sự bực bội và cay đắng.
Những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực có thể sôi sục bên trong một thời gian dài. Chúng ta để nó tồn tại càng lâu thì chúng càng chìm sâu vào tiềm thức của chúng ta về người kia. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến các tương tác về sau giữa 2 người.
6. “Anh giống như bố/mẹ em vậy”
Tôi chưa từng nói như vậy với vợ mình, nhưng tôi đã từng nghĩ như thế.
Tốt hơn là nên giải quyết vấn đề thực tế thay vì sử dụng những lời xúc phạm hay xỉa xói mơ hồ như vậy.
7. “Không phải việc của anh/em”
Câu nói này có khả năng gây tổn thương lớn khi 2 người đang trong một mối quan hệ đòi hỏi sự gắn bó và chia sẻ sâu sắc.
Khi đối phương nói quá nhiều và muốn “chỉ đạo” bạn giải quyết vấn đề, hãy bình tĩnh nếu bạn cảm thấy khó chịu. Chỉ là anh ấy/ cô ấy đang quan tâm đến bạn mà thôi.
5 bước để giải quyết hiểu lầm và tránh xung đột trong cuộc sống hôn nhân
Cùng tìm hiểu 5 bí quyết trò chuyện và hóa giải những xung đột trong cuộc sống thường ngày.
Đăng Dương (Theo My Joy)