Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT |
Sau khi nghe báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 58 và kế hoạch triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và TT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng ghi nhận những kết quả mà ngành CNTT –TT Việt Nam đạt được trong hơn 10 năm qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam đã đi lên từ con số 0, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ CNTT thế giới, thì nay Việt Nam luôn được nhắc đến. Hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những địa điểm hấp dẫn về gia công phần mềm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, ngành công nghiệp phần mềm quy mô còn nhỏ, phần cứng gia công còn ít, nội dung số chưa phát triển mạnh.
Còn về nhận thức ứng dụng CNTT, khả năng phát triển CNTT đã có chuyển biến mạnh mẽ; đã có cơ chế, hệ thống văn bản phát luật về CNTT. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, trong Giáo dục đào tạo, trong y tế,… đã chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Chỉ số người dùng Internet của Việt Nam đạt gần 30%, cao hơn trung bình thế giới (26%). Đó là một trong những kết quả đặc biệt của 10 năm qua.
Việt Nam đã hình thành ngành CNTT-TT, với doanh số năm 2010 dự kiến 15-16 tỷ USD. Việt Nam không chỉ nằm trong nhóm 7 mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao mà tỷ trọng giá trị nội địa cũng rất cao. Năng lực đào tạo đã tăng 5 lần so với trước nhưng chất lượng giáo dục vẫn là một vấn đề.
Theo Phó Thủ tướng, những kết quả trên đây sẽ là tiền đề tạo nền tảng cho những bước chuyển biến tiếp theo. Do đó, để tạo nên những bước đi đột phá tiếp theo, CNTT-TT Việt Nam cần tập trung giải quyết 7 vấn đề lớn:
- Tại sao việc ứng dụng và phát triển CNTT chưa đồng đều giữa các địa phương và còn tập trung?
Phó Thủ tướng cũng đưa ra ví dụ về tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính để phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Trong khối các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, hiện có 5 Bộ (Công Thương, Giáo dục Đào tạo, Tài chính, Thông tin & Truyền thông,…) đạt tỷ lệ trên 90% cán bộ công chức trong ngành có máy tính, 100% cán bộ ở cơ quan Bộ có máy tính; có 9 Bộ (Kế hoạch Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Xây dựng, Khoa học Công nghệ)… đạt tỷ lệ 70 – 98%; và vẫn có 5 Bộ chỉ đạt tỷ lệ dưới 60% đến 35%. Như vậy, sự chênh lệch về tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính trong hệ thống cơ quan Nhà nước Trung ương đang ở mức gần 3 lần.
Còn ở địa phương, Điện Biên tỷ lệ có máy tính 100%, Lai Châu là 50%, Tuyên Quang 33% nhưng Thái Nguyên 5%. Cũng là 15 tỉnh miền núi nhưng tỷ lệ cán bộ công chức dùng máy tính chênh lệch từ 100% xuống 5%, chênh 20 lần. Trong hệ thống quản lý nhà nước, tỷ lệ trang bị máy tính còn chênh lệch nhiều.
Vậy lý do chênh lệch này là tại sao và bao giờ mới khắc phục được? Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, nếu điều này không sớm được giải quyết thì dự kiến đến năm 2015, người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận chính quyền qua mạng rất khó thực hiện được.
- Có nên phát triển tập trung các doanh nghiệp phần mềm?
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp phần mềm chiếm 80% doanh số của cả nước, trong đóThành phố HCM tập trung tới 30 doanh nghiệp. Sắp tới làm sao khắc phục được điều này.
Hiện nay, doanh nghiệp phần mềm phát triển rất nhanh, sắp tới có nên mở thêm các khu công nghiệp. Thành phố HCM đề xuất, nhân rộng mô hình công viên phần mềm Quang Trung. Liệu vấn đề này có khả thi hay không? Công nghiệp phần cứng có thể chọn sản phẩm quốc gia không để phát triển, có nên có chương trình sản xuất các thiết bị nhúng. Định hướng thế nào, vai trò gắn với nhà nước hỗ trợ gì?
- Trong thời gian qua, việc phát triển hạ tầng dùng chung làm vẫn chưa tốt. Phó thủ tướng cho rằng, sắp tới làm thế nào có hạ tầng dùng chung. Có nên hình thành công ty kinh doanh hạ tầng phục vụ cho nhiều nhà cung cấp nội dung?
- Quy hoạch nguồn nhân lực nên như thế nào?
- Chuyển từ nghiên cứu phát triển sang thương mại hoá như thế nào? Làm gì để có chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học? Trong khi đó, CNTT-TT các nước khác, lực lượng làm nghiên cứu khoa học rất lớn.
- Cần có thêm chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp, nhân tài trong lĩnh vực CNTT?
- Đổi mới phương pháp quản lý nhà nước về CNTT-TT. Có nên lập kế hoạch trên cơ sở thị trường?
Trên đây là 7 vấn đề lớn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại Hội nghị Quốc gia về̀ CNTT và TT Việt Nam 2010 do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ TT-TT tổ chức vào sáng3/12 tại Hà Nội.
(Theo VnMedia)