… Cuối năm, nơi nơi lại tràn ngập những bảng điểm, giấy khen, phần thưởng. Và rồi người người lại lên tiếng về việc “bội thực” điểm 10, “lạm phát” giấy khen,… Để rồi không ít đứa trẻ mặc định điểm 8 là điểm chưa đẹp.
Tâm lý “khen để động viên học sinh” và “cả xã hội chạy theo thành tích, mình không thể ngược dòng” cứ như “nước đẩy thuyền” làm căn bệnh thành tích này ngày càng nặng thêm.
Học sinh cứ thế ôm cặp lên lớp đều đều, giáo viên năm sau phải gánh “hậu quả” thành tích của đồng nghiệp trước đó. Thế là lại lao vào “chữa cháy” bằng muôn kiểu đối phó với điểm số.
Chỉ tiêu vẫn cứ “dội” đều từ trên xuống, giáo viên vẫn cứ xoay xở mọi cách để đạt chỉ tiêu và học sinh cứ mãi “được” khoác chiếc áo thành tích nguy hại.
Để giải quyết được căn bệnh thành tích này, tôi nghĩ ngành giáo dục cần "đại phẫu" toàn diện từ cấp quản lý đến tận từng giáo viên.
Và để dừng lại hiện trạng “sản xuất” điểm 10, học sinh giỏi hàng loạt, chúng ta buộc phải giải quyết rốt ráo một loạt câu hỏi sau:
Những con số chỉ tiêu như “vòng kim cô” kẹp chặt giáo viên vào thành tích đã bị ca thán nhiều rồi, sang năm học mới, nó còn tồn tại và “dội” từ cấp trên xuống nữa hay không?
Ngăn chặn nạn dạy thêm học thêm tràn lan nhưng chương trình có giảm tải để học sinh chỉ cần học trên lớp đã đủ chuẩn kiến thức và kỹ năng?
Lấy kết quả học tập của học sinh để đánh giá thi đua giáo viên liệu có công bằng không khi mà chỉ cần “xui xẻo” tí thôi là giáo viên gặp học sinh bỏ học hoặc học yếu?
Đến bao giờ người thầy mới có quyền cho học sinh lưu ban, thi lại với đúng năng lực vốn có của các em?
Giả sử có trường nào đó “tuyên chiến” bằng cách học thật, thi thật, đánh giá thật thì có bị nhắc nhở trong các cuộc họp tổng kết, đánh giá và bị cắt thi đua hàng loạt không?
Bao giờ “điệp khúc” nhà nhà khoe thành tích, phần thưởng, giấy khen mỗi mùa thi qua sẽ biến mất trên mạng xã hội?
Bao giờ con trẻ thoát cảnh ngày học trường, tối học thêm, ăn vội vã dọc đường, ngủ gục vắt vẻo trong thang máy?
Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu trăn trở khi mà căn bệnh thành tích đã mọc rễ và vươn vòi.
Bạn đọc Trang Hiếu
Ý kiến của bạn về các vấn đề tác giả nêu ra, xin gửi theo địa chỉ: [email protected]. Trân trọng cảm ơn
"Trẻ học không giỏi lớn lên sẽ lãnh đạo bạn học giỏi: Ít lắm!"
Bỗng dưng nhà nhà sợ nhận học giỏi và học kém lại có chuyện để kể. Hiện tượng rộ lên trong những ngày gần đây, khi thời điểm kết thúc năm học cận kề, gợi ra nhiều suy nghĩ trái ngược nhau.