Sức sống mới trên những vùng đất trồng cà phê
Có tuổi đời hơn 20 năm, vườn cà phê của ông Vũ Minh Đãi (buôn Êa Câm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) vẫn phát triển xanh mướt, ngày càng sai trái với năng suất luôn ổn định qua các năm. Nhìn lại thành quả này, không ai nghĩ cách đây 3 năm, ông Đãi từng có ý định phá bỏ toàn bộ vì cây già cỗi, còi cọc, cho năng suất thấp. Nhưng nhờ tư vấn của các chuyên gia từ Dự án cảnh quan cà phê bền vững, ông cải tạo vườn bằng những kỹ thuật canh tác mới, trồng xen canh cà phê với cây ăn quả, qua đó tăng chất lượng cà phê, giảm xói mòn đất, tiết kiệm nước và cải thiện thu nhập.
Ông cho biết: “Thay vì trồng độc canh, tôi được hướng dẫn trồng xen canh tạo ba tầng tán. Cỏ thay vì cắt bỏ hết, thì tôi để lại gốc giúp giữ nước cho đất và chống xói mòn, từ đó mà lượng nước tưới giảm đi rất nhiều. Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nếu trước đây sử dụng theo cảm tính thì nay có thêm kiến thức để biết đất đang thiếu loại phân bón nào để bổ sung cho phù hợp, tôi cũng biết cách lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn để chống sâu bệnh, bảo vệ cây trồng”.
Cũng tham gia cải tạo vườn cà phê của gia đình theo hướng cảnh quan bền vững, cô Mi Ngâu (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) chia sẻ: “Từng gặp rất nhiều khó khăn do chăm sóc cà phê theo cảm tính, vợ chồng tôi khi áp dụng kỹ thuật canh tác mới thì ít gặp sâu bệnh hơn, năng suất năm ngoái là 9 tạ, năm nay tăng lên 1,2 tấn, chưa kể nguồn thu từ cây bơ.”
Không riêng gì ông Đãi hay cô Ngâu, hơn 4.000 nông dân tại các tỉnh trọng điểm về cà phê tại Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đều đánh giá cao hiệu quả mà dự án mang lại. Bởi ngoài những kỹ thuật canh tác mới, trồng xen canh, nông dân tham gia dự án cũng được hướng dẫn sử dụng phân bón, sản phẩm bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, đồng thời tập huấn an toàn lao động như đánh giá rủi ro môi trường và cây trồng, cách sử dụng các thiết bị bảo hộ theo tiêu chuẩn an toàn.
Qua 3 năm thực hiện, dự án được triển khai và nhân rộng trên diện tích gần 6.000 ha và sản xuất được gần 18.000 tấn cà phê theo mô hình canh tác bền vững, mở ra hướng đi triển vọng, tích cực cho nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên.
Động lực cho sự phát triển bền vững
Được triển khai từ năm 2018, dự án cảnh quan cà phê bền vững tại các tỉnh trọng điểm về cà phê tại Tây Nguyên có sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và tổ chức phát triển gồm: Tổ chức IDH, Tập đoàn hàng đầu thế giới về trà và cà phê - JDE Peet’s, Louis Dreyfus - tập đoàn hàng đầu thế giới về thương mại các sản phẩm nông sản và Syngenta - tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp trong nông nghiệp.
Chia sẻ về dự án, ông Trần Thanh Vũ - Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam cho biết: “Thông qua dự án, chúng tôi mong muốn nông dân được tiếp cận những sản phẩm và giải pháp tiên tiến, nâng cao nhận thức và kỹ năng. Điều này không chỉ giúp họ bảo vệ mùa màng, tăng năng suất canh tác, mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, sức khỏe và giảm thiểu tác động đến môi trường. Chúng tôi rất vui khi dự án được đón nhận với khoảng 98% nông dân áp dụng kiến thức tập huấn, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này, qua đó ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững”.
Có tổng số vốn đầu tư lên đến 1 triệu USD, dự án giúp nông dân trồng cà phê ứng dụng các phương pháp trồng trọt mới, hiệu quả vào thực tiễn canh tác, đồng thời sản xuất, canh tác thuận tự nhiên, giảm các yếu tố đầu vào, tiết kiệm nhân công; sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến một mô hình sản xuất cà phê bền vững cho nông dân.
Phát biểu tại hội thảo tổng kết dự án vừa được tổ chức vào ngày 25/5, ông Nguyễn Được - Giám đốc chương trình cà phê bền vững, Công ty LDC Việt Nam chia sẻ: “Dự án đã mang lại những giải pháp có ý nghĩa cho người nông dân nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Tây Nguyên. Nông dân cũng nhận được sự hỗ trợ để áp dụng phương pháp quản lý hóa chất nông nghiệp an toàn và có trách nhiệm nhằm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái cà phê đồng thời cải thiện sức khỏe và an toàn của nông dân. Nhờ sự đóng góp của các đối tác JDE, IDH và Syngenta, hơn 7.000 hộ trồng cà phê đã nhận được hỗ trợ về trồng xen canh, bảo tồn đất và nước, cũng như thực hành quản lý hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm. Dự án góp phần nâng cao sản lượng cà phê có trách nhiệm tại Việt Nam”.
Trước đó, IDH, LDC, JDE Peet’s và Syngenta cũng thực hiện dự án tương tự tại Lâm Đồng từ năm 2016 đến tháng 6/2022 với số vốn đầu tư hơn 1,5 triệu USD, giúp gần 3.800 nông dân canh tác cà phê theo mô hình cảnh quan bền vững trên diện tích 4.500 ha.
Doãn Phong