Lời tòa soạn

Cuối tháng 2/2025, Công an TP Hà Nội chính thức giải thể công an cấp huyện. Đây là đợt tinh gọn tổ chức bộ máy lớn, nằm trong xu thế chung về tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị. 

Sau khi các quyết định có hiệu lực, công an cấp xã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc từ những ngày đầu, giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở. 

VietNamNet khởi đăng loạt bài "Công an cấp xã ở Thủ đô chuyển mình sau giải thể công an cấp huyện” nhằm đem đến cho độc giả những thông tin hữu ích về quá trình này. Quý độc giả có thể đọc bài 1 của tuyến bài tại đây.

 

Một buổi sáng đầu tháng 4, trong không gian chật hẹp của trụ sở Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), bà Nguyễn Thị Hợp đã ngoài 80 tuổi, chậm rãi bước vào để điều chỉnh thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Bỡ ngỡ trước máy tính và thủ tục số hóa, bà không giấu được nỗi lo lắng.

W-_0930 (1).jpg
Trụ sở Công an phường Hoàng Liệt. Ảnh: Phạm Hải.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Chuẩn, một cảnh sát khu vực, bước đến hướng dẫn từng thao tác, hỗ trợ bà Hợp hoàn thiện hồ sơ. Cùng lúc, ở bàn kế bên, chị Vũ Thị Chang được Thượng úy Nguyễn Thế Anh hướng dẫn sử dụng app VNeID để đăng ký hộ khẩu trực tuyến.

Những hình ảnh này rất quen thuộc mỗi ngày, trong hàng trăm lượt người đến làm thủ tục tại phường có mật độ gần 20.000 người/km² – khiến Công an phường Hoàng Liệt được mệnh danh là lực lượng ở “siêu" phường của Thủ đô.

W-_0932.jpg
Nơi tiếp công dân tại trụ sở Công an phường Hoàng Liệt. Ảnh: Phạm Hải.

Công việc của các chiến sỹ vượt qua giới hạn giờ hành chính. Nhiều đêm muộn, khi dòng người đã thưa vắng và ánh đèn từ các tòa chung cư cao tầng chỉ còn thưa thớt, những cán bộ công an phường Hoàng Liệt vẫn lặng lẽ kiểm tra từng địa điểm lưu trú. Việc làm này giúp các anh phát hiện, ngăn chặn những hiểm họa âm thầm có thể đe dọa đến sự bình yên chung.

Có những câu chuyện nhỏ nhưng khó quên trong hành trình công tác của các cán bộ, chiến sỹ. Có lần, giữa ca trực đêm, tổ công tác nhận được tin báo về một cô gái trẻ mắc chứng tự kỷ đang có ý định quyên sinh trong một căn hộ chung cư. 

Lực lượng công an nhanh chóng tiếp cận căn hộ. Ở bên trong, cánh cửa khóa chặt, cô gái đang trong trạng thái hoảng loạn.

Các chiến sĩ chọn cách kiên trì thuyết phục. Họ ngồi kiên nhẫn ngoài cửa, trò chuyện qua khe hở, cùng với sự đồng cảm để kéo cô gái trở lại với hiện thực.

Sau hàng giờ căng thẳng, giọt nước mắt vỡ òa khi cánh cửa mở ra – một cuộc đời được níu lại, một bi kịch được hóa giải.

Hay như lần tuần tra năm 2023, tại một công trình xây dựng ở khu Tây Nam Linh Đàm, tổ công tác phát hiện một thanh niên dáng vẻ mệt mỏi, rụt rè.

Đó là một người dân tộc thiểu số từ Điện Biên xuống Hà Nội mưu sinh, không người thân, giấy tờ tùy thân chỉ còn lại giấy chứng minh nhân dân nhòe mờ, gần như không thể đọc số. Giao tiếp khó khăn, hồ sơ rời rạc, không ai xác minh được nhân thân.

Các cán bộ không bỏ cuộc. Họ cẩn thận tra cứu dữ liệu dân cư, liên hệ với công an xã ở quê, nơi cậu thanh niên đăng ký thường trú nhưng đã rời đi nhiều năm. Sau gần một tuần làm việc, cuối cùng danh tính được xác nhận, thủ tục được hoàn thiện, và chàng trai ấy, lần đầu tiên sau nhiều năm đã có trong tay chiếc thẻ căn cước công dân mới, một danh phận rõ ràng giữa chốn thị thành.

Với hơn 24.000 hộ dân, gần 100 tòa chung cư cao tầng, Hoàng Liệt là "điểm nóng" về mật độ dân cư, giao thông và an ninh trật tự. Phường lại án ngữ nhiều tuyến đường huyết mạch như Giải Phóng, Ngọc Hồi, Pháp Vân, cùng bến xe Nước Ngầm – cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Trong khi đô thị hóa diễn ra chóng mặt, hạ tầng lại chưa đồng bộ, khiến việc quản lý dân cư, đặc biệt là người thuê trọ, dân nhập cư càng thêm áp lực.

W-Đinh Văn Cường_1263.jpg
Thiếu tá Đinh Văn Cường đang tranh thủ ký hồ sơ ngoài giờ hành chính. Ảnh: Phạm Hải

Từ ngày 1/3, sau khi Hà Nội giải thể công an cấp huyện, lực lượng cán bộ, chiến sĩ tại Công an phường Hoàng Liệt tăng từ 44 lên 66 người. Đơn vị phải tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ hành chính trước kia thuộc cấp trên: từ đăng ký xe máy, cấp thẻ căn cước công dân, đến cả hồ sơ giấy phép lái xe ô tô. 

Thượng úy Nguyễn Ngọc Chuẩn cho biết, anh trước đây làm nhiệm vụ ở Công an quận Hoàng Mai, nay được điều xuống làm việc ở phường Hoàng Liệt. "Tôi về nhận nhiệm vụ mới được hơn một tuần. So với cơ quan cũ, công việc ở đây rất nhiều, tăng 4-5 lần so với trước đây", Thượng úy Chuẩn chia sẻ. 

Được biết, tính đến giữa tháng 4, đơn vị đã giải quyết thành công hơn 1.400 thẻ CCCD, hơn 1.100 đăng ký xe máy và gần 160 hồ sơ giấy phép lái xe ô tô. Đồng thời, công tác nghiệp vụ vẫn được duy trì song song, gọi hỏi, răn đe các đối tượng chấp hành án, hoãn thi hành án… phối hợp chặt với các tổ dân phố để đảm bảo an ninh từ gốc.

Thượng úy Nguyễn Thế Anh không giấu được nỗi trăn trở khi nhắc đến bài toán dân cư: “Phường Hoàng Liệt là một trong những địa bàn có mật độ dân số đông nhất Thủ đô, lại thường xuyên biến động do lượng lớn người lao động ngoại tỉnh, sinh viên thuê trọ và sinh sống tạm thời. Việc cập nhật, quản lý nhân khẩu vì thế chưa bao giờ dễ dàng”.

W-_1156.jpg
Thượng uý Nguyễn Thế Anh hướng dẫn công dân Vũ Thị Chang đăng nhập app VNeid để giải quyết các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công.

Ở các nhà trọ hay ký túc xá, chung cư, chỉ một tháng là cư dân có thể đã thay đổi hoàn toàn. Người đến, người đi liên tục, thông tin nhân khẩu vì thế luôn rơi vào tình trạng “trượt sóng”. Không ít trường hợp vì e ngại thủ tục, hoặc lo ngại bị kiểm soát nên chọn cách né tránh khai báo tạm trú - điều này khiến công tác kiểm soát an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những đối tượng có ý đồ xấu.

“Dân cư tạm trú quá đông, nếu không nắm bắt được, chỉ cần một kẽ hở nhỏ, hậu quả có thể rất khó lường”, Thượng úy Thế Anh chia sẻ. 

Để khắc phục, Công an phường triển khai các nhóm tuyên truyền qua mạng xã hội, tổ dân phố, hội cư dân… Từ việc phổ biến kỹ năng phòng ngừa trộm cắp, lừa đảo đến hướng dẫn kê khai tạm trú – tất cả đều được triển khai đồng bộ, với mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng, biến mỗi người dân thành một “mắt xích” trong mạng lưới bảo vệ an ninh.

“Chúng tôi xác định phương châm ‘vừa chạy vừa xếp hàng’. Dù công việc tăng lên rõ rệt, nhưng nhiệm vụ thì không đợi, không được để một ngày gián đoạn”, Thiếu tá Đinh Văn Cường, Trưởng Công an phường Hoàng Liệt, chia sẻ.

Công việc của những chiến sĩ công an phường không chỉ dừng lại ở những ca tuần tra hay hồ sơ giấy tờ.

 “Ca trực bắt đầu từ 8 giờ sáng hôm trước và kết thúc lúc 8 giờ sáng hôm sau. Thời gian cao điểm là giờ hành chính, khi người dân đến đăng ký thường trú, làm CCCD, đăng ký xe… đông nghẹt”, Thượng úy Thế Anh chia sẻ.

Sau khi nhận thêm đầu việc từ cấp quận, lực lượng tăng từ 44 lên 66 người, nhưng số giường nghỉ vẫn chỉ dừng lại ở con số 22. Họ thay phiên nhau làm việc, thay phiên nhau ngả lưng trong không gian chật chội, một nhịp sống “cuốn chiếu” đặc trưng mà người ngoài ít khi hình dung được.

Thiếu tá Đặng Việt Hà, cán bộ ở bộ phận tiếp dân, bộc bạch: “Chúng tôi rất mong có thể được cải tạo lại trụ sở, mở rộng phòng làm việc, có thêm không gian sinh hoạt để anh em yên tâm công tác. Công việc không thể giảm, nên điều kiện hỗ trợ càng cần cải thiện”.