- Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho hay, với khoảng 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu có thể xây được 3 sân bay Long Thành.
Thảo luận dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sáng nay tại Quốc hội, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Thực tế thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án.
“Vậy TCTD khi thu hồi tài sản phải làm thế nào, họ tự làm hay thuê lực lượng khác, cần có cơ chế rõ ràng. Hơn nữa, trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong nghị quyết nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế”, bà Trang nói.
ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình bổ sung vào nghị quyết nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu.
“Tôi đồng tình rằng mua bán nợ xấu cần theo giá thị trường nhưng phải công khai minh bạch”, ĐB Nguyễn Sơn nêu quan điểm.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Minh Quang |
Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu.
Ông cho biết, tại VN, qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu cao đột biến bắt đầu từ năm 2012, lên tới 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo.
Nguyên nhân của tình trạng này là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán và kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, tức chiếm hơn 10% tổng dư nợ.
Ông Thắng cho hay, trong số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống TCTD. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại để phục vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế.
Chủ tịch VietinBank ví von rằng, số tiền này có thể làm được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội đang bàn.
5 năm, khởi tố gần 200 cán bộ ngân hàng
Giải trình ý kiến các ĐBQH, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nêu nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra nợ xấu. Ông thông tin, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 DN giải thể và phá sản, cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu.
Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: Minh Quang |
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng (TCTD) còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay...
Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã bàn rất kỹ và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Hưng cho biết thêm, thời gian qua thông qua công tác thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra.
Từ năm 2011-2016, theo thống kê Bộ Công an, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.
"Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, Phó TGĐ ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm…
Riêng tại Agribank, từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách thiệm 352 cán bộ. Đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã khởi tố điều tra 65 vụ án tại Agribank, xử lý hình sự 122 cán bộ Agribank", Thống đốc Lê Minh Hưng lấy dẫn chứng.
Ông Nguyễn Văn Bình: Xử lý nợ xấu như chữa bệnh tăng xông
Trưởng Ban Kinh tế TƯ ví von nợ xấu như cục máu đông, cơ chế xử lý nợ xấu hệt như chữa bệnh tăng xông.
Nợ xấu 'đùng cái lên', 'vài ba năm lại hạ'
Cuối năm 2010, nợ xấu là 2,36%, sau 1 năm đưa lên 17%. Tôi với anh Kiêm, cả hai từng là thống đốc đều ngỡ ngàng. Sau 3 năm các đồng chí lại đưa xuống 3,22% - ông Nguyễn Văn Giàu thốt lên.
Thống đốc NHNN: Thuốc chữa nợ xấu phải đúng liều
Chúng ta bắt bệnh đúng, chữa bệnh cũng trúng, nhưng liều lượng phải phụ thuộc sức khỏe con bệnh - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trải lòng trước UBTVQH về xử lý nợ xấu.
Hương Quỳnh