Dich vu cong truc tuyen.jpg
Nhiều người dân vẫn quen với cách thức gặp trực tiếp cán bộ công quyền để tiến hành các dịch vụ công. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> Chưa thể khai thuế điện tử tại “một cửa” quận, huyện

>> Xếp hạng về Chính phủ điện tử của Việt Nam cao hơn kinh tế

Trống vắng công dân điện tử

Số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 cho thấy cả nước đã có 9.800 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 1 và 2 (công bố thủ tục và form mẫu, người dân có thể tải form mẫu hồ sơ thủ tục về điền); 860 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (người dân có thể tải form mẫu và nộp hồ sơ qua mạng) và 11 dịch vụ cấp 4 (mọi hồ sơ được gửi và trả qua mạng, người dân không cần đến tận cơ quan Nhà nước). Có thể thấy số lượng các dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam đã phát triển rất mạnh.

Thế nhưng, theo một khảo sát do Cục Ứng dụng CNTT - Bộ TT&TT tiến hành năm 2011 về mức độ người dân tham gia các hoạt động dịch vụ công trực tuyến thì những con số thống kê thu được không mấy khả quan. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, có tới gần 60% người dân nói rằng chưa từng sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Con số này khá phù hợp với thực tiễn tại các địa phương. Ông Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Thời gian qua, Lào Cai đã triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến nhưng sự tham gia của doanh nghiệp, người dân còn ít. Đơn cử đã triển khai cấp phép kinh doanh có điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh nhưng rất ít hộ dân liên hệ làm việc qua mạng".

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cũng cho biết: "Tại Hậu Giang, hơn 80% người dân là nông dân. Hầu hết người dân vẫn còn thờ ơ với chuyện dịch vụ công trực tuyến. Huyện Châu Thành ở "sát nách" Cần Thơ cũng đã triển khai “một cửa” nhưng qua khảo sát thấy sau 6 tháng triển khai, người dân rất ít sử dụng". Vậy là, "đường" đã được khai thông rộng mở mà vẫn thưa vắng người "lưu thông".

Trong các nguyên nhân dẫn tới hiện trạng ít người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đáng lưu ý nhất là sự thiếu hiểu biết của người dân về vấn đề này. "Có tới 25% người dân tham gia khảo sát của Cục Ứng dụng CNTT nói rằng không biết có dịch vụ công trực tuyến. Nhiều người khác không biết phải tìm các dịch vụ công trực tuyến ở đâu, chỉ nghe mang máng là có dịch vụ như thế. Và cũng không ít người vẫn lo ngại cho sự an toàn của hồ sơ gửi trên mạng, chẳng hạn gửi cả quyển sổ đỏ thì không biết người nhận xử lý thế nào", ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.

Ở góc độ của một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang nêu lên một nguyên nhân khiến người dân ở Hậu Giang còn thờ ơ với dịch vụ công trực tuyến là sự thiếu thốn về trang thiết bị tin học. Rất nhiều người dân chưa từng biết máy vi tính, Internet là gì vì đối với họ, máy tính là một loại tài sản có giá trị lớn. Nếu không máy móc, thiết bị thì câu chuyện dịch vụ công trực tuyến chỉ là chuyện "trên trời".

“Lời giải” từ những đơn vị tiên phong

Nhận thức rất rõ vai trò của người dân trong việc triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến nói riêng và triển khai Chính phủ điện tử nói chung, một số địa phương đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc hình thành công dân điện tử.

Điển hình như tại Trà Vinh, “may mắn” được chọn là 1 trong 3 địa phương thí điểm triển khai dự án của Quỹ Bill & Melinda Gates, tỉnh này đã tổ chức đào tạo CNTT-TT cho 1.800 nông dân gồm nông dân sản xuất giỏi, những người có uy tín ở xóm, ấp, những người có khả năng truyền đạt lại cho người khác. ”Chúng tôi đào tạo mỗi lớp cơ sở 3 ngày, lớp nâng cao 3 ngày tiếp theo, chủ yếu tạo công cụ để tìm kiếm thông tin bổ ích cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản cải thiện đời sống cho hộ gia đình, xóm ấp...”, ông Bùi Chí Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Trà Vinh nói.

Cũng tại Trà Vinh, Sở TT&TT còn triển khai dự án đầu tư máy tính cho hơn 33 điểm ở các hợp tác xã, những vùng có khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, làng nghề truyền thống làm ăn tốt... Trong tháng 6 vừa rồi đã đào tạo cho hơn 500 người thuộc các thành phần nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh...

Một gương điển hình tiên phong khác là Cần Thơ. Theo lời của Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Trung Nhân, Cần Thơ đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai các xe lưu động trang bị 20 máy tính để đào tạo sử dụng Internet cho nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh,... Đây là động thái tích cực để dần từng bước đào tạo các công dân điện tử. Mặt khác, Sở TT&TT Cần Thơ cũng đã xây dựng xong đề án hỗ trợ người dân tham gia Chính phủ điện tử thông qua hệ thống Internet, trong đó có hướng dẫn các điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng hỗ trợ người dân truy cập dịch vụ công trực tuyến, chẳng hạn như chỉ rõ cách thức điền các biểu mẫu hồ sơ trên mạng...