Với tỉ lệ trên 91% đại biểu Quốc hội tán thành, sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, có 210 điều, hiệu lực thi hành từ 1/7/2024; trong đó có quy định 6 trường hợp đưa các ngân hàng vào kiểm soát đặc biệt.
Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Một trong những nội dung đáng chú ý là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ áp dụng, quyết định can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có số lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Ngoài ra, biện pháp can thiệp sớm còn được áp dụng trong trường hợp ngân hàng xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định; vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong 6 tháng liên tục; bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước, cũng được can thiệp sớm.
Trong các trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cập nhật, thực hiện ngay phương án khắc phục; thời hạn hoàn thành xây dựng và thông qua phương án khắc phục.
Ngân hàng bị can thiệp sớm cũng phải thực hiện và áp dụng ngay các yêu cầu, biện pháp hạn chế; thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính, đánh giá thực trạng tài chính…
Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng can thiệp sớm được áp dụng biện pháp hỗ trợ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; có lộ trình tuân thủ một hoặc một số giới hạn, tỷ lệ; cổ đông, thành viên góp vốn phải có lộ trình giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn…
Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng khắc phục được tình trạng, hoặc thực hiện sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác; thực hiện giải thể, phá sản hoặc đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.
Luật cũng quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc 1 trong 6 trường hợp.
Thủ tướng quyết định khoản cho vay đặc biệt
Cũng theo luật mới, từ 1/7/2024, Thủ tướng sẽ có quyền quyết định khoản cho vay đặc biệt với ngân hàng không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% một năm, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Với khoản vay đặc biệt có lãi suất, tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền quyết định. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Ngân hàng hợp tác xã sẽ quyết định khoản vay đặc biệt với quỹ tín dụng nhân dân.
Một nội dung khác đáng chú ý được đại biểu quan tâm thảo luận nhiều trước đó là tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành là 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Báo cáo giải trình tiếp thu trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đại biểu nêu việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng chưa xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối ngân hàng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhận định này và cho hay ngoài việc giảm tỷ lệ sở hữu, giới hạn cấp tín dụng, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung thêm quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin.
Trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin. Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành có giải pháp tăng hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát để hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Điều 162. Áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng
1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước
b) Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục
c) Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm
d) Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng
đ) Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục
e) Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.
Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.