Chính tư duy tài trợ đột phá của VinIF đã tạo nên những thay đổi tích cực trong việc đầu tư vào môi trường nghiên cứu.

Tạo “bệ phóng” cho nhà khoa học Việt

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2025, Việt Nam cần bổ sung 36.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Từ nay đến năm 2030, số lượng tiến sĩ còn thiếu là 7.300.

Bắt đầu triển khai từ năm 2019, Quỹ VinIF đã ngay lập tức triển khai đồng bộ các chương trình học bổng, trong đó, học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ là 120 triệu đồng/năm và nghiên cứu sinh  là 150 triệu đồng/năm. Không chỉ hướng đến đối tượng thụ hưởng là các cá nhân nghiên cứu khoa học, VinIF còn kết nối với các Viện nghiên cứu, trường Đại học tại Việt Nam nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính và công nghệ, mạng lưới tri thức và chuyên gia cho cơ sở đào tạo.

{keywords}
Qua ba năm, VinIF đã tài trợ tổng cộng 6 triệu USD để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của khoa học - công nghệ Việt Nam 

Để quy trình thẩm định đảm bảo tính khoa học và minh bạch, đồng thời đảm bảo hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế của người làm nghiên cứu, từ những ngày đầu tiên, VinIF đã tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cùng đội ngũ giáo sư đầu ngành. Qua các năm, bộ tiêu chí và khung chương trình liên tục được VinIF bổ sung, cập nhật để tiếp tục hoàn thiện và đáp ứng những yêu cầu mới của khoa học thế giới.

Đặc biệt, VinIF chú trọng thẩm định và sàng lọc, với điều kiện cần là ứng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học quốc tế, với ít nhất 2 bài báo đăng trên các ấn phẩm thuộc danh mục tạp chí SCIE/SSCI và có nhà khoa học uy tín bảo trợ, hợp tác. Cách làm này tương tự như các tổ chức uy tín của nước ngoài như Quỹ Humboldt (Đức), Sloan hay Fulbright (Mỹ) và Simons (Canada), nhằm đảm bảo kinh phí tài trợ được sử dụng hiệu quả, tới đúng người và đúng mục đích.

“Tôi cho rằng chính sách tài trợ của VinIF hiện nay đang đi rất đúng hướng và có lẽ đây là đồng thuận chung của các nhà khoa học”, GS. TS. Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội khẳng định.

{keywords}

GS. TS. Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội  

Với nguồn kinh phí lớn, VinIF chú trọng đầu tư dài hạn, liên tục và bài bản. Chỉ tính riêng học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ, ba năm liên tiếp đồng hành cùng các học viên, nghiên cứu sinh cả nước, tổng cộng 753 suất học bổng đã được VinIF trao đi với số tiền 102 tỷ đồng. Cùng với gần 30 tỷ đồng đầu tư cho các chương trình hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu, tổng mức tài trợ của VinIF đến nay khoảng 132 tỷ đồng (tương đương khoảng 6 triệu USD).

“Từ những nỗ lực bền bỉ của VinIF, một mạng lưới trí thức trẻ, thuộc đa dạng lĩnh vực, đang dần hình thành và kết nối, kỳ vọng sẽ là nguồn lực tinh hoa kiến tạo sự phát triển toàn diện của đất nước”, GS. Vũ Hà Văn (Giám Đốc Khoa học VinIF và VinBigData) chia sẻ tại Lễ công bố và Sơ kết hai năm các chương trình học bổng và đào tạo.

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thông tin, các nhóm nghiên cứu được tài trợ đều thu hút nhiều sinh viên giỏi vào làm việc. Các công bố nghiên cứu khoa học ở trường, viện đều tăng rõ rệt cả số lượng lẫn chất lượng.

Năm 2019 - 2020, các học viên Bách khoa nhận học bổng của VinIF đã có khoảng 50 bài báo được công bố trong các tạp chí khoa học uy tín. Nhờ hợp tác với VinIF, các đơn vị thành viên như trường Đại học Công nghệ thông tin đã nhận được cơ sở vật chất đáp ứng cho chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu. “Đây là Quỹ đầu tiên đồng hành trực tiếp với người sau đại học và góp phần hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh”, ông Thắng cho biết.

Tư duy đột phá tạo hiệu quả mới

Với sự đầu tư mang tính tổng thể dành cho các chương trình học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau Tiến sĩ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ, VinIF là một trong số những quỹ tư nhân hiếm hoi tại Việt Nam quan tâm toàn diện tới giáo dục sau Đại học. Đặc biệt, theo GS.TS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ý nghĩa của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup không nằm ở số lượng học bổng, số lượng đề tài do Quỹ đã tài trợ mà nằm ở phương thức tài trợ.

{keywords}

Tư duy tài trợ đột phá của VinIF đã tạo nên những thay đổi tích cực tới môi trường và văn hóa nghiên cứu trong nước, thúc đẩy sự phát triển của KHCN trong nước.  

Đột phá trong cách làm của VinIF chính là chỗ: Quỹ nhận thấy giá trị lao động thật sự của người làm khoa học, coi học viên hay nghiên cứu sinh là nguồn nhân lực, cần được trả lương hoặc học bổng; thạc sĩ, tiến sĩ hay nghiên cứu sau tiến sĩ là một nghề, chứ không đơn thuần là chuyện đi học.

“Ở Mỹ, đi học sau đại học được coi như một công việc "toàn thời gian", người học chỉ chuyên tâm nghiên cứu và được nhận trợ cấp từ chính phủ hoặc doanh nghiệp. Còn tại Việt Nam, phần lớn những người học thạc sĩ, tiến sĩ là chỉ dành một phần thời gian cho việc học nên chất lượng không đảm bảo. Sự khác biệt ấy đó dẫn tới khác biệt về chất lượng đào tạo”, GS. Vũ Hà Văn cho hay.

Thay đổi trong tư duy đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, và sau Tiến sĩ, VinIF đã trở thành “người đỡ đầu” cho không ít nhà khoa học trẻ. Đồng hành cùng VinIF, Dương Tiến Anh, tiến sĩ dược học 27 tuổi, người sở hữu 4 bằng sáng chế và 14 công bố trên tạp chí quốc tế chuẩn ISI, thấy rõ tác động của Học bổng đối với sự nghiệp nghiên cứu của mình. Làm tiến sĩ “toàn thời gian”, Tiến Anh hoàn thành chương trình học sớm một năm và có cơ hội tham gia Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ XX vào cuối tháng này.

"Học bổng của VinIF giúp tôi thay đổi cái nhìn về nghiên cứu khoa học và việc học tiến sĩ. Chuyên tâm làm khoa học, tôi có thể sống được bằng nghề, và hơn nữa, phát huy tối đa năng lực bản thân để tạo ra những nghiên cứu có ích đối với xã hội”, Tiến Anh chia sẻ.

Xa hơn, tư duy và hướng đi mới của VinIF, không chỉ tháo gỡ gánh nặng tài chính cho các nhà khoa học, mà còn làm thay đổi môi trường và văn hóa nghiên cứu trong nước, tạo tiền đề để những doanh nghiệp, những quỹ tư nhân khác cùng tham gia thúc đẩy sự phát triển bền vững của khoa học - công nghệ Việt Nam.

Minh Tuấn