Vợ chồng tôi đều là dân công chức nhà nước, lương cả hai ở thời điểm hiện tại cộng lại mới được 6,5 triệu đồng/tháng. May mắn hơn, chúng tôi sống ở tỉnh lẻ, cơ quan lại gần nhà nên sau khi kết hôn thì có thể ở cùng với bố mẹ chồng luôn mà không cần phải thuê nhà. Do đó, với đồng lương công chức này thì cũng coi như đủ chi tiêu sinh hoạt hàng tháng.
Với những cặp vợ chồng trẻ khác, việc chi tiêu Tết thực sự là vấn đề khá đau đầu, bởi trăm thứ phải chi tiêu, mà công chức nhà nước đồng lương chỉ đủ sống, thưởng Tết cũng chỉ vài ba đồng.
Song, Tết năm 2018, tôi đã vạch ra kế hoạch tiêu Tết cụ thể nên không còn bị khủng hoảng và thâm hụt nặng như Tết đầu tiên về nhà chồng.
Nhiều gia đình tiêu Tết chỉ hết vài triệu đồng |
Còn nhớ, lần đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng, tôi được ông bà giao ngay cho khoản mua sắm, lo toan cho cả gia đình. Sẵn tiền mừng cưới nhận được cách đó 2 tháng, tôi cứ thế đem ra tiêu. Tiền mừng tuổi bố mẹ hai bên, các cháu; tiền quà cáp lễ Tết,... ; đồ ăn làm cỗ Tết, tôi mua tích trữ đầy tủ lạnh, nào là thịt gà, bò, thịt lợn, cá, tôm, rau quả, bánh chưng cho tới bánh kẹo mứt thờ Tết hay tiếp khách tới chơi nhà.
Đồ ăn thức uống thứ gì tôi cũng sắm sửa nhiều vì tâm lý “sợ thiếu”. Sau Tết, tôi ngồi cộng các khoản mình đã chi tiêu mà giật mình, hết gần 20 triệu đồng. Nếu quy ra thì số tiền này bằng khoảng lương 3 tháng của cả vợ chồng tôi cộng lại. Trong khi thực phẩm, bánh kẹo hết Tết còn thừa ê hề, đành phải cho bớt vì sợ để lâu hết hạn.
Tôi không rõ bố mẹ chồng có phàn nàn gì với họ hàng làng xóm không, nhưng tự bản thân minh cũng cảm thấy quá tốn kém và lãng phí.
Vì thế, Tết năm thứ hai, tôi rút kinh nghiệm ngay và lên kế hoạch mua sắm chi tiêu Tết cụ thể. Tôi cố gắng thực hiện đúng theo những gì mình vạch ra, vừa là để tránh dư thừa, vừa phù hợp với mức lương thưởng của hai vợ chồng.
Cụ thể, danh sách sắm Tết nhà tôi gồm:
- 2 con gà hết 500.000 đồng để làm mâm cơm Tất niên và sáng mùng 1 Tết
- Bánh chưng 3 chiếc hết 150.000 đồng
- Mâm ngũ quả hết 200.000 đồng
- Nửa cân giò lụa và nửa cân giò xào hết 120.000 đồng
- Rau củ ăn trong 3 ngày Tết hết 150.000 đồng
- Một cân thịt lợn về nấu thịt đông và một ít thịt xay về làm món nem hết 150.000 đồng
- Nửa cân thịt bò để về làm món xào hết 120.000 đồng
- 10 quả trứng vịt hết 30.000 đồng
- Bánh kẹo thờ Tết và đem lễ Tết hết 500.000 đồng
- Bánh kẹo đãi khách tôi tự nấu món chè lam vì nhà có gạo nếp
- Mua một cành đào Tết và hoa hết 300.000 đồng (đào để ở phòng khách, hoa để trên bàn thờ)
Ngoài ra, tôi biếu bố mẹ chồng 1 triệu, biếu bố mẹ đẻ 1 triệu, mừng tuổi Tết cho các cháu hay các cụ già trong họ hết 2 triệu đồng. Nhờ vậy cái Tết đó tôi chi tiêu hết chỉ trên dưới 6 triệu đồng, bằng chưa đầy 1/3 số tiền tiêu Tết năm đầu tiên tôi ở nhà chồng mà gia đình tôi vẫn có một cái Tết tươm tất, không thừa cũng chẳng thiếu gì.
Năm nay, tôi cũng chỉ dự định tiêu Tết trong với khoản tiền trên dưới 6 triệu đồng. Bởi tôi nghĩ, Tết đến nhà nào cũng thịt thà, bánh kẹo ê hề, ăn đến ngày thứ hai là ngán. Thế nên, các món ăn có thể tinh giản bớt để tránh lãng phí, lại tiết kiệm được tiền.
Hải Dương (Hà Nam)
Tết này chỉ có 15 triệu và nhà mình chi tiêu Tết thế này!
Với dự định tiêu Tết 15 triệu, mình đang vẽ ra kế hoạch với những khoản cụ thể.