6 tỉnh gồm Quảng Ngãi, Đăk Nông, Cao Bằng, Gia Lai, Phú Yên, Bắc Cạn đã bước đầu hình thành công viên địa chất cấp tỉnh và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Mới đây, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản tổ chức hội thảo "Xây dựng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và mô hình quản lý công viên địa chất tại Việt Nam".
Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) ra đời khoảng đầu những năm 2000. Đây là một loại hình phát triển bền vững của một vùng hoặc một địa phương theo hình thức kết hợp giữa nghiên cứu khoa học, bảo tồn các loại hình di sản quý của nhân loại (đặc biệt là địa chất) với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cộng đồng cư dân bản địa thông qua phát triển du lịch như một sinh kế mới của cộng đồng.
Cao nguyên đá Đồng Văn |
Với mục tiêu tổng quan như vậy, GGN đã đề ra những tiêu chí tương đối chặt chẽ và toàn diện theo những mục tiêu đã đề ra cho những Công viên địa chất (CVĐC) của các quốc gia muốn tham gia GGN và GGn quy định cứ 4 năm kể từ khi tham gia, GGN sẽ tái đánh giá việc thực hiện các cam kết về bảo tồn và phát triển theo định hướng do GGN đề ra của các CVĐC thành viên một lần.
Tại Việt Nam, hiện nay chúng ta mới có duy nhất một công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Từ khi thành lập và được UNESCO công nhận, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực sự góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang đặc biệt là về phát triển du lịch.
Nhờ CVĐC toàn cầu mà không chỉ trong nước biết nhiều hơn đến Hà Giang mà cả khu vực, quốc tế cũng bắt đầu biết đến Hà Giang. Trong các cuộc gặp gỡ của GGN khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới và các cuộc họp của UNESCO về chủ đề CVĐCTC, mô hình phát triển xóa đói giảm nghèo thông qua vận hành CVĐCTC của Hà Giang thường được nhắc tới.
Thành công của Hà Giang đã thu hút sự chú ý của nhiều tỉnh, thành, cùng với đó các tỉnh đã có nguyện vọng tham gia vào mô hình công viên địa chất toàn cầu. Các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương đã phối hợp xây dựng Mạng lưới công viên địa chất quốc gia để bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho người dân.
Hiện 6 tỉnh đã bước đầu hình thành công viên địa chất cấp tỉnh và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Sau đó sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể về DSĐC và công viên địa chất, xây dựng hồ sơ DSĐC và công viên địa chất và trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định, đánh giá, xếp hạng và công nhận. 6 tỉnh gồm: Quảng Ngãi, Đăk Nông, Cao Bằng, Gia Lai, Phú Yên, Bắc Cạn.
Quảng Ngãi: Qua quá trình nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh đã được nhận khuyến nghị về những giá trị của di sản địa chất cũng như việc cấp thiết phải bảo tồn, tiếp tục nghiên cứu và phát huy giá trị của di sản địa chất tại đảo Lý Sơn và những khu vực ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 12/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 453/QĐ-UBND về việc thành lập Công viên địa chất Lý Sơn với diện tích khoảng 127km2 với số dân khoảng 66.740 người. Hiện đảo Lý Sơn và các khu vực lân cận của Quảng Ngãi đã lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đăk Nông: Giới thiệu tiềm năng di sản của Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, nơi đây được biết đến với quần thể di sản thiên nhiên phong phú, di sản địa chất núi lửa độc đáo, di sản văn hoá đặc sắc. Với dãy núi Nâm Nung hùng vĩ, sông Sêrêpốk, cao nguyên bazan Mơ Nông, hệ thống hang động núi lửa, các khu bảo tồn thiên nhiên. Nơi đây có 40 dân tộc anh em sinh sống với bề dày lịch sử, văn hoá… Cao Bằng: Giới thiệu thác Bản Giốc, hồ Thăng Then, đa dạng sinh học, truyền thống, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Dự thảo bao quát tối đa các giá trị di sản, bao gồm cả di sản địa chất, văn hoá, lịch sử, đa dạng sinh học, gồm hầu hết các huyện biên giới, quản lý đến đơn vị cấp huyện. Gia Lai: Dự kiến phạm vi CVĐC Gia Lai là phần lớn huyện K’Bang, thị xã An Khê và một phần các huyện Măng Yang và Đăk Đoa, tổng diện tích khoảng 2500km2. CVĐC này gồm toàn bộ Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trên cao nguyên Pleiku và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Rang trên cao nguyên Kon Hà Nừng cùng phần thung lũng sông Ba chuyển tiếp giữa chúng. Phú Yên: Khu vực các huyện Sông Cầu, Tuy An và một phần phía tây của Thị xã Tuy Hoà, kể cả các đảo ven bờ thuộc các huyện kể trên, tổng diện tích khoảng 1.250km2, dân số khoảng 250.000 người. Bắc Cạn: Nghiên cứu và tìm hiểu nhận thấy Vườn Quốc gia Ba Bể có nhiều giá trị độc đáo để xây dựng CVĐC. Với sự đa dạng của các thành tạo địa chất, có nhiều loại đá khác nhau, từ đá vôi, các thành tạo lục nguyên đến cả các thành tạo magma. Các địa danh tạo nên điểm nhấn của Vườn Quốc gia Ba Bể như hồ Karst Ba Bể, dãy nón phóng vật cổ, thác Đầu Đẳng, hẻm vực karst Sông Năng, khoảng 20 hang động, hang hoá thạch… |
T.Lê