6 tỉnh phía Bắc tập dượt phối hợp trong ứng phó sự cố tấn công mạng
Chương trình diễn tập được thiết kế nhằm giả định các tình huống cần phối hợp ứng phó với các sự cố tấn công mạng giữa các đơn vị thành viên trong Cụm mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng số 1.

Ngày 20/11, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT đã phối hợp Sở TT&TT Lạng Sơn – đơn vị Cụm trưởng của Cụm mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng số 1, tổ chức chương trình diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2020, cho các đơn vị thành viên.

Cụm mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng số 1 (Cụm 1) có thành viên là 6 Sở TT&TT của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Việc phân cụm này được thực hiện theo phân vùng khu vực địa lý thuộc Quân khu 1. Cụm trưởng là Sở TT&TT Lạng Sơn và Cụm phó là Sở TT&TT Thái Nguyên.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, đây là cuộc diễn tập Cụm đầu tiên do Cục An toàn thông tin phối hợp với Cụm trưởng tổ chức nhằm tăng cường hoạt động chia sẻ, phối hợp giữa các thành viên trong Cụm mạng lưới ứng cứu sự cố.

Chương trình diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cũng là một trong những hoạt động, nhiệm vụ quan trọng mà Bộ TT&TT giao cho Cục An toàn thông tin chủ trì tổ chức, để nâng cao năng lực của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, theo Đề án “Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017.

Đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, thách thức trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng ngày trở nên cấp thiết. Trong năm 2020, thế giới đối mặt với hàng loạt các sự cố rò rỉ dữ liệu, phá hoại tính toàn vẹn, tính bí mật và tính sẵn sàng các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp qua các hình thức tấn công từ nhiều hướng của nhiều đối tượng, tận dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), khai thác các điểm yếu bảo mật của các hệ thống và con người...

Đặc biệt, thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, tin tặc cũng đã gia tăng số lượng và mức độ tấn công vào các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng nhu cầu làm việc tại nhà…Tất cả là những thách thức mới trong công tác bảo đảm an toàn cho quá trình chuyển đổi số mà Việt Nam đang thúc đẩy.

Chương trình diễn tập về ứng cứu sự sự cố năm 2020 tại khu vực Cụm 1 có chủ đề “Phối hợp ứng phó sự cố tấn công mạng trong khu vực”. Chương trình được thiết kế nhằm giả định các tình huống cần phối hợp ứng phó với các sự cố tấn công mạng giữa các thành viên như: cung cấp, hỗ trợ xử lý các sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin và các cuộc tấn công leo thang để các bên liên quan xử lý khắc phục; thực hiện điều tra truy tìm dấu vết, bằng chứng số liên quan đến sự cố.

Đồng thời, tư vấn cho các cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu và phòng ngừa sự cố; và tổng hợp, báo cáo về sự cố, các dấu vết, bằng chứng số về các hành động thực hiện của kẻ tấn công.

Tham gia diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực Cụm 1 có khoảng 300 cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin đại diện của các đơn vị, thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia khu vực cụm 1 dưới hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Đây cũng chính là các cán bộ làm về công tác vận hành các hệ thống công nghệ thông tin trên địa bàn và các thành viên của Đội ứng cứu sự cố của các tỉnh trong khu vực.

Chương trình diễn tập đã tạo cơ hội cọ xát, thực hành xử lý tình huống đã xảy ra thực tế cho các cán bộ kỹ thuật trong Cụm. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các cán bộ kỹ thuật gặp gỡ, trao đổi, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau cũng như tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó xử lý sự cố cho đơn vị, cho bản thân. 

M.T

Bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt trong quá trình chuyển đổi số

Bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt trong quá trình chuyển đổi số

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên.