Trong kế hoạch cuộc đời của phần lớn mọi người, sau khi mua được xe và nhà, lý tưởng nhất là có thể duy trì chất lượng cuộc sống ổn định.
Tiết kiệm tiền là một ý kiến hay để giúp bạn hoàn thành mục tiêu sống nói trên. Về phương thức tiết kiệm, nhiều người cho rằng bớt được đồng nào hay đồng ấy, mà không biết rằng có một số lối tiết kiệm chỉ mang lại "lợi ích" trước mắt, sau đó còn khiến bạn mất nhiều hơn.
Tạp chí "Inc." đã tổng hợp 6 thói quen "tiết kiệm" luôn khiến bạn tốn nhiều tiền hơn trong tương lai như sau:
1. Đi xe cũ
Mua xe mới luôn mất nhiều tiền hơn, nhưng cố dùng xe cũ hiệu suất thấp để tiết kiệm khoản chi phí này không phải ý hay. Vì chiếc xe cũ sẽ ngốn của bạn không ít tiền cũng như thời gian vào việc sửa chữa hay bảo dưỡng. Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng việc lái một chiếc ô tô cũ tốn trung bình 1.000 USD mỗi năm.
Liên tục tiêu thêm tiền hòng "níu kéo" chiếc xe đã đến lúc thay thực sự là một khoản đầu tư không quá khôn ngoan.
2. Mua nhiều đồ giảm giá
Các mặt hàng khuyến mãi chưa bao giờ thôi hấp dẫn, nhưng trước khi vội vã giành mua, đừng quên nghĩ xem mình có thực sự cần chúng hay không. Món hàng đó cần thiết cho cuộc sống của bạn, hay chỉ đơn giản là bạn bị thu hút bởi mức giá rẻ và tự thuyết phục bản thân rằng nó hữu ích?
Trên thực tế, giá khuyến mãi của nhiều sản phẩm chỉ là một mức "giảm giá ảo", nó vốn gần bằng, hoặc thậm chí là đúng bằng giá gốc, nhưng người bán vẫn đề biển giảm giá sâu để kích thích cảm giác muốn mua món hời của người tiêu dùng.
3. Mua quần áo giá rẻ
Cũng không phải tất cả trang phục giá rẻ đều nhanh hỏng, nhưng phần lớn chúng dễ phai màu, xù vải, tuột chỉ, rách… hơn so với quần áo giá tầm trung đến cao. Tuy giá thành thấp, nhưng nếu phải sửa chữa nhiều hay bỏ đi chỉ sau một vài lần sử dụng, thì phương án tiết kiệm này có vẻ không ổn lắm.
Nhiều người cho rằng đồ rẻ thì mặc một hai lần rồi bỏ đi cũng chẳng tốn mấy, và như thế thì họ luôn được mặc đồ mới, đồ đẹp. Có điều khi chia chi phí bỏ ra cho số lần sử dụng, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện thói quen tiêu dùng này lãng phí không ít tiền. Nhất là với một số loại quần áo kiểu dáng cơ bản như áo sơ mi hay áo phông đơn giản, mua sản phẩm tốt để mặc được nhiều lần sẽ hợp lý hơn rất nhiều so với việc mua mười sản phẩm rẻ trông na ná nhau.
4. Chỉ gửi tiền trong tài khoản tiết kiệm
Lãi suất khi gửi tiết kiệm ngân hàng không cao, nếu muốn số tiền nhàn rỗi của mình sinh lời nhanh hơn, bạn nên cân nhắc đến việc đầu tư.
5. Mua những sản phẩm không cần gấp để được "miễn phí vận chuyển"
Nhiều nền tảng mua sắm đưa ra các chính sách miễn phí vận chuyển khi mua nhiều để tăng doanh số. Nhiều người tiêu dùng sẽ mua nhiều hơn lượng cần thiết hoặc mua thêm một số sản phẩm nằm ngoài nhu cầu để tiết kiệm phí vận chuyển.
Cách làm này nghe có vẻ khôn ngoan nhưng thực tế thì không hẳn. Sản phẩm mua dư ra để dùng sau có thể sẽ bị lãng quên hoặc hết hạn trước khi bạn dùng đến, lãng phí vô cùng. Chưa kể tổng tiền bạn bỏ ra cho các món hàng "mua thêm để đủ mức freeship" thực ra cũng ngang ngửa, thậm chí là cao hơn phí ship cho đơn hàng vừa đủ lúc đầu.
6. Chậm trễ trong việc khám sức khỏe
Đừng bao giờ tiết kiệm những món tiền liên quan đến sức khỏe. Có thể bạn sẽ thấy tiếc tiền sau những lần kiểm tra định kỳ tốn kém mà không phát hiện ra bệnh gì, nhưng về lâu về dài, việc bỏ sót một vài triệu chứng cũng như cơ hội chữa trị kịp thời sẽ khiến bạn tổn thất nhiều hơn rất nhiều.
Theo Phụ nữ Việt Nam